Tuần trước mình và hai đứa bạn “bỉm sữa lâu năm” đã có một cuộc họp “bí mật” để nhỏ to về những bí kíp “đi ngược lại với cách vận hành của cả thế giới”.

Giải thích cụm từ “bỉm sữa lâu năm” là vì lâu rồi tụi nó không còn dùng bỉm với sữa nhưng vẫn còn bận bịu với một đám nhóc tì ríu rít mỗi ngày. Dù là bận bịu cơ mà mình thấy hai đứa này thong thả lắm. Cuộc sống tụi nó mình quan sát thấy toàn là trồng hoa, làm bánh, vẽ chó mèo, đọc sách, đánh đàn… Zen gì đâu!

Hôm đó, mình đã NÓI NHỎ với hai đứa nó một bí kíp vừa tìm được:
“MUỐN CÓ” THÔI, ĐỪNG “KHAO KHÁT”
(WANTING NOT DESIRE)

Thiệt ra là mình đã chia sẻ bí kíp này với vài đứa bạn khác. Mỗi lần nói xong, thấy ánh mắt đứa nào cũng nửa tin nửa ngờ. Hôm đó trước khi nói chuyện, mình thầm nghĩ, hai đứa này mắt sẽ sáng long lanh lên cái kiểu: “Em biết mà. Tụi em đã sống như vậy từ lâu rồi!”

Vậy mà nói xong, một đứa thì mắt lim dim nhìn xa xăm, đứa còn lại phản đối ngay lập tức: “Em nghĩ cái chị nói thì tụi em thử làm được chứ sao mà áp dụng cho mấy đứa nhỏ nhà em. Tụi nó phải có khát khao mới vươn tới tương lai được chứ?”

Đến lượt mình đơ ra =)) rồi tự nhủ: “Hay là cái bí kíp này chỉ dành cho mình?” Thôi thì đã hẹn gặp, mình giải thích thêm một chút.

DESIRE có nghĩa là mình sống với nhiều khát vọng, mong muốn có bằng được chúng, sẵn sàng sống chết để đạt được những mục tiêu này. Với Desire, mình chỉ chấp nhận một kết quả duy nhất: đạt được mục tiêu! Hạnh phúc của cuộc đời mình hoàn toàn phụ thuộc vào việc có đạt được mục tiêu hay không. Và đương nhiên là sẽ thất vọng, tức tối, bực bội, đau khổ nếu không thể chạm đến giấc mơ của mình.

WANTING có nghĩa là mình sống vẫn có mục tiêu, vẫn biết mình muốn có được điều gì trong cuộc đời này, cũng nỗ lực hết mình để chạm đến những ước mơ nhưng việc mình đạt hay không đạt được những mục tiêu này không quan trọng. Dù đạt hay không đạt, mình vẫn sống vui vẻ, hài lòng với chính mình và cuộc sống của mình. Nói cách khác, Wanting chấp nhận cả hai kết quả: đạt và không đạt được mục tiêu. Vì niềm vui sống của Wanting không phải nằm hoàn toàn ở phần thưởng ở cuối hành trình. Wanting có nhiều niềm vui nho nhỏ trên những nẻo đường đi đến mục tiêu. Phần thưởng ở cuối hành trình chỉ là một trong những niềm vui nhỏ ấy.

Ví dụ ngày trước, khi làm workshop về Cảm xúc, mình khao khát các bạn phải thay đổi hành vi: không còn nóng giận/ không còn sợ hãi… để sống hạnh phúc hơn. Thế là trước mỗi workshop mình đều hồi hộp đến mất ngủ. Vào lớp, mỗi khi nghe câu hỏi mang tính thách thức/ nghi ngờ phương pháp, mình lo sợ và dễ dàng chuyển sang bực bội, tìm mọi cách bảo vệ lập luận của mình. Quan sát những tình huống này, mình nhận ra các bạn cũng tìm cách bảo vệ quan điểm/ niềm tin của bản thân và lại càng khó thay đổi hành vi.

Sau khi chuyển từ Desire sang WANTING, mình vẫn muốn các bạn thay đổi. Mình cố gắng truyền tải hết tất cả kiến thức/ trải nghiệm của mình nhưng mà các bạn thay đổi hay không thì sau workshop mình vẫn chấp nhận, vẫn vui. Và thế là mình ngủ rất ngon trước mỗi workshop. Trong những tình huống gặp phải các câu hỏi hóc búa, mình không còn sợ/ ghét/ bực bội nữa mà thấy cảm thông với người hỏi (chắc chắc họ còn nhiều rào cản tâm lý nên chưa thể buông bỏ niềm tin giới hạn của bản thân để thay đổi, để sống hạnh phúc hơn).

Vì là cảm thông nên cách giải thích của mình nhẹ nhàng/ bình tĩnh. Mình cũng nói thêm là các bạn tự quyết định xem có nên thay đổi hay không. Vì chỉ có bạn mới là người có thể tạo ra sự thay đổi cho chính mình. Kết quả là số lượng các bạn thay đổi lại khả quan hơn. Có lẽ người nghe không cảm thấy bị ép buộc, và cảm nhận được sự tự do trong việc ra quyết định cho cuộc sống của mình.

Chuyển từ Desire sang Wanting, mình không chỉ vui khi nhận được feedback tốt ở cuối workshop. Mình vui từ những giây phút đầu tiên của dự án: vui/ biết ơn vì được bạn bè/ khách hàng cũ tin tưởng giới thiệu, biết ơn (vì được tin tưởng) khi đọc được những câu chuyện chân thành trong bài prework trước khi đến lớp của mỗi bạn, cảm nhận công việc có ý nghĩa khi được chia sẻ kiến thức/ trải nghiệm của mình ở lớp, thích thú vì được gặp các bạn có “độ khó” tăng dần theo thời gian =)), học cách chấp nhận rằng có những bạn không thể thay đổi ngay sau khoá học và tự nhủ đây chính là cơ hội để mình rèn giũa bản thân; tin rằng một ngày nào đó, khi mình phát triển hơn, mình sẽ có thể truyền cảm hứng cho những bạn tương tự thay đổi.

Nghe kể xong thì đứa bạn vừa phản đối gật gù. Nó nói chuyện này nghe có vẻ vô lý nhưng hình như đã trải nghiệm một lần.

Lần nọ chị hai Ri 10 tuổi đi thi nhảy. Trong khi bao đứa bạn khác nhảy theo nhóm hoặc có cặp có đôi thì Ri phải biểu diễn một mình. Mẹ hỏi: “Con có hồi hộp không?”. Em hỏi lại “Tại sao phải hồi hộp hả mẹ?” Đủ thấy mức độ miễn nhiễm với lo âu, hồi hộp của em đến mức nào.

Lần khác Ri đi thi Spelling Bee. Mẹ muốn động viên em nên mới cho thêm giải thưởng: “Nếu Ri thắng giải, mẹ sẽ cho voucher để con dắt cả nhà đi ăn”. Hôm đi thi, mẹ ngồi ở dưới, quan sát thấy mặt em căng thẳng bất thường. Mẹ cũng ngạc nhiên vì trước giờ chưa thấy con căng thẳng như vậy. Kết quả em rớt từ vòng đầu tiên vì những từ đánh vần đơn giản. Hỏi con có bị sao không thì em nói căng thẳnng vì sợ không có được voucher để dắt cả nhà đi ăn. Thương Ri!

Khi WANTING chuyển sang DESIRE, mình phải gánh chịu một áp lực ĐƯỢC MẤT. Vì mình chỉ vui, chỉ hạnh phúc, chỉ hài lòng với chính mình khi ĐƯỢC. Còn MẤT là một kết quả không thể chấp nhận được.

Đang vui chuyện thì ba đứa chợt nhớ về một đứa bạn chung khác. Rồi ba đứa bắt đầu mắt lim dim, đầu gật gật. Ê, hình như em nó đã sống với bí kíp ngược đời này từ rất lâu. Hèn chi em nó thong thả và thành công như vậy.

Ở tuổi 29 đã trở thành CMO của một công ty e-commerce có tiếng ở Việt Nam. Nhưng cái tụi mình nể nhất là cái kiểu thong dong không hiểu làm sao có được. Mỗi lần cả bọn gặp nhau là ẻm đi “mình không”, dáng vẻ tự do, tự tại, một cây chọc cười của team, không dùng smart phone – cho đến khi trở thành CMO của công ty e-commerce và nhân viên năn nỉ dữ quá nên “đành phải” có một cái. Chưa bao giờ nghe ẻm nói là khao khát có được cái này cái kia, dự tính phải đạt được cột mốc này cột mốc nọ.

Có lần đi xem núi lửa với ẻm, mình vô cùng ngạc nhiên về khả năng ngủ: đặt lưng xuống là ngủ, ngủ bất cứ chỗ nào, tỉnh dậy là tươi vui; chọc cười mình mấy ngày trên xe từ lúc đi đến lúc về, làm cho bạn hướng dẫn viên du lịch vui lây rồi lâu lâu quay xuống hỏi “hai đứa bây nói gì vui dữ vậy?”.

“MUỐN CÓ” THÔI, ĐỪNG “KHAO KHÁT”
(WANTING NOT DESIRE)

Bí kíp này mình mới đọc được từ cuốn Letting go của Tiến sỹ, Bác sỹ David R. Hawkins. Chiêm nghiệm lại chặng đường đã qua, mình thấy thật mầu nhiệm.

Bạn đã bao giờ có trải nghiệm WANTING?