Có một hôm trong lúc ăn trưa, tôi và một vài đồng nghiệp thân thân ngồi lặng yên khi cả bọn bất chợt nhận ra: ‘Ê hình như tụi mình đã đến giai đoạn mà giải quyết các vấn đề thuần túy trong công việc không còn là thử thách nữa. Nhưng những việc liên quan đến con người (deal with people) mới chính là nguyên nhân rút cạn nguồn năng lượng của chúng ta mỗi ngày’.
Các bạn đã/ đang ở trong tình trạng này chưa? Những việc mang tính chất ‘kỹ thuật’ như thiết kế một dự án từ A – Z, quản lý dự án, đọc các con số, tìm ra insights, đưa ra kết luận và hướng đi cho các nhãn hàng giờ không còn là chuyện quá khó. Thật ra chúng lại là nguồn cảm hứng, tiếp thêm năng lượng cho chúng ta mỗi ngày. Thế nhưng những cuộc họp sau đó để trình bày quan điểm cho các bộ phận có liên quan lại tiêu tốn quá nhiều thời gian và công sức.
Các cuộc họp chưa bao giờ có ít hơn 3-4 bộ phận tham gia. Và rất nhiều khi ta có ‘cảm giác’ hình như những đồng nghiệp trong cùng một bộ phận cũng không phải đại diện cho một bên. 😉 Cái câu 9 người 10 ý có vẻ là hợp lý nhất trong các buổi họp này. Thế là trung bình phải qua năm bảy lượt họp hành, email viết lại biên bản cuộc họp, sau đó họp tiếp, email tiếp, follow up đến chán chê ròng rã có khi lên đến vài tháng mới đi đến một kết luận mà ‘có vẻ như’ các bên có liên quan đã hài lòng.
Ngày xưa tụi tôi hay nói đùa đó là những cuộc họp ‘hại não’. Bây giờ có thêm kiến thức psychology tôi thấy thật ra đó những việc làm ‘hại tim’. Có quá nhiều cảm xúc xuất hiện trong các cuộc họp ấy. Ngày đẹp trời thì các bạn Vui vẻ, Hào hứng, Nhiệt huyết đến chơi. Ngày dông bão sẽ có các bạn Bực dọc, Sợ hãi, Lo lắng, Tức giận, và cả Nổi điên cùng tham dự. Và các bạn này chính là thủ phạm hút cạn năng lượng của bạn mỗi ngày.
Hậu quả nhẹ nhàng nhất là không get được alignment, tiếp tục về làm bài, chuẩn bị thêm số liệu để lần sau vào debate tiếp. Nặng nề hơn là bước ra khỏi phòng họp cùng bạn Anger, thấy hơi ghét ghét cái đứa đã challenge mình. Nhưng ghê gớm hơn cả là phân loại một (số) cá nhân trong cuộc họp ấy vào ‘cái rỗ’ mang tên ‘Không bao giờ muốn thấy mặt hay làm việc chung nữa’.
Từ đâu mà ‘chiến tranh đã leo thang’ từ chỗ chúng ta vô cùng hào hứng bước vào phòng họp để chia sẻ quan điểm/ những điều hay ho thú vị mình mới tìm được, đến chỗ ghét cay ghét đắng quan điểm/ hoặc thậm chí là con người của một (số) thành viên nào đó hồi nào không hay? Vâng, tôi muốn nhấn mạnh cụm từ ‘hồi nào không hay’. Vì theo quan sát và hiểu biết của mình, tôi nhận thấy mỗi cá nhân không sinh ra và được lập trình để ghét một ai cả.
Một trong những điểm mấu chốt tôi nhận ra trên con đường coaching những trường hợp conflicts này, nằm ở chỗ chúng ta chưa phân biệt được và còn nhầm lẫn giữa hai khái niệm: Assessment (nhận định chủ quan về sự việc/ con người nào đó) và Assertion (ý kiến khách quan có số liệu cụ thể).
Buổi học về coaching hôm ấy, một thầy của tôi mời một anh đứng lên và hỏi anh này cao bao nhiêu.
- Anh ấy trả lời ‘Tôi cao 1.8m’.
- Thầy hỏi: ‘Anh nghĩ gì về chiều cao của mình?’.
- Anh trả lời không một chút đắn đo: ‘Tôi cao ở mức trung bình’.
- Cả lớp nhìn anh như người ngoài hành tinh: ‘WHAT???’
- Và anh ấy hơi hốt hoảng ‘Thật mà, ở nước tôi có nhiều người cao hơn tôi lắm’.
À thì ra sau đó mọi người biết ảnh là người Hà Lan và đúng là chiều cao đó chỉ ở mức trung bình ở quê hương anh ấy. Thật tội nghiệp ảnh lại học chung với đại đa số dân châu Á nên bị mọi người nhầm tưởng có vấn đề về nhận định. =))
Ở đây, cái câu ‘Tôi cao 1.8m’ là Assertion (câu mang tính khách quan), có số liệu và có thể kiểm tra đúng sai chỉ bằng một cây thước. ‘Tôi cao ở mức trung bình’ lại là Assessment (nhận định chủ quan) phụ thuộc vào sự hiểu biết nhất định của mỗi cá nhân. Anh này sinh ra và lớn lên ở Hà Lan, benchmark về chiều cao trung bình của ảnh khác với dân châu Á nên Assessment của mỗi bên trái ngược nhau, mặc dù cả hai đều dựa trên cùng một con số: 1.8m.
Thế đấy, trong rất nhiều tình huống, conflicts nảy sinh chẳng phải các bên muốn chứng minh rằng mình thông minh hơn, rằng không ai giỏi bằng mình, hoặc thậm chí là muốn làm hại ai đó. Đôi khi đơn giản là các bên cứ khư khư ôm cục Assessment của mình mà cứ nghĩ mình đang nắm giữ sự thật/ ý kiến khách quan và tin rằng chỉ có mình mình đúng.
Ở những môi trường làm việc chuyên nghiệp, trước khi bước vào phòng họp, ai ai cũng có một kho tàng thông tin số liệu đồ sộ để chứng minh, bảo vệ lập luận của mình. Với hàng núi số liệu và lập luận được xem là ‘logic’ ấy, chúng ta dễ dàng nhầm tưởng mình đang nắm giữ sự thật/ hay những quan điểm khách quan. Bên nào không cùng lập luận/ suy nghĩ theo logic của mình sẽ được xem là vô căn cứ, là sai, là cần phải debate đến cùng để thuyết phục họ nghe theo mình. Và thế là bao nhiêu con người vô cùng thông minh/ logical phải mất bao nhiêu là thời gian, năng lượng và công sức cho các cuộc debates mà thật ra không ai là người đang nắm giữ toàn vẹn sự thật khách quan cả.
Rất nhiều các nghiên cứu psychology, self-help books, blogs, articles không ngừng khuyên chúng ta hãy dành thời gian để thật sự LẮNG NGHE bên kia nói gì về quan điểm của họ. Tôi đã từng cố gắng làm theo nhưng không thành công vì khi lắng nghe vẫn khư khư giữ cục assessment của mình với niềm tin sắt đá ‘Mình đúng’. Khi lắng nghe trong tâm thế đó thì không có từ ngữ nào lọt vào tai hoặc đọng lại trong não cả.
Do đó, tôi nghĩ bước đầu tiên chúng ta cần tự nhắc nhở mình: ‘Tôi chỉ đang nắm giữ một phần của sự thật khách quan. Những kết luận của tôi chỉ là nhận định chủ quan. Tôi sẵn sàng lắng nghe quan điểm của người khác.’ Làm được điều này là bạn đã góp phần đáng kể để bảo tồn năng lượng của chính bạn, của các đồng nghiệp và giúp cho công ty mình tiết kiệm biết bao nhiêu là thời gian cho các cuộc debates không có hồi kết rồi đấy.
Written by: Pham Thi Thanh Thao
Nếu bạn thích theo dõi các nội dung này, bạn có thể add friend trang cá nhân của tôi hoặc follow trang https://www.facebook.com/Executive-Coach-Pham-Thi-Thanh-Thao-870575319949064/?modal=admin_todo_tour
*** Bạn có thể tham khảo thêm ở sách ‘Language and the pursuit of happiness‘ của Chalmers Brothers về Assessment và Assertion.