[Chia sẻ cho các bạn đang thực tập Coaching]

NEVER WORK HARDER THAN YOUR CLIENTS

Coaching hiện nay đã trở nên rất phổ biến. Coaching không còn là “vũ khí bí mật” của chuyên gia đang hành nghề trong lĩnh vực này, mà đã và đang được “truyền nghề” cho các cấp lãnh đạo ở nhiều công ty đa quốc gia.

Nói đến Coaching, mọi người thường quan tâm nhiều đến các kỹ năng Coaching cốt lõi (tạm dịch từ Core Competencies) được quy định bởi Liên đoàn Coaching quốc tế (ICF) như: cách đặt câu hỏi màu nhiệm, toàn tâm hiện diện/ lắng nghe, tạo nhận thức mới cho người được coach…

Theo trải nghiệm của riêng mình, kỹ năng coaching cốt lõi quan trọng nhưng TƯ DUY COACHING (tạm dịch từ COACHING MINDSET) quan trọng hơn gấp nhiều lần. Nếu người Coach chưa thể LÀM VIỆC và SỐNG được với tư duy coaching thì phải mất rất nhiều thời gian trên hành trình rèn luyện kỹ năng cốt lõi, và quan trọng hơn cả là sẽ rất mỏi mệt khi theo đuổi con đường này.

Mình nhận ra tư duy Coaching, thật không may, thường đi ngược hoàn toàn với những giá trị mà mình đã theo đuổi để xây dựng “tên tuổi” tại nơi làm việc cũ. Buông bỏ tư duy cũ đồng nghĩa với việc buông bỏ giá trị đã làm nên “thương hiệu” của mình trong quá khứ. Điều đó thật chẳng dễ dàng với mình trong một thời gian dài. Nhưng một khi đã hoàn toàn hiểu, cảm nhận và thật sự sống được với tư duy mới, mình cảm thấy công việc và cuộc sống hòa quyện làm một, thấy mỗi ngày một đáng sống hơn bao giờ hết.

Trong bài viết này, mình chia sẻ tư duy “NEVER WORK HARDER THAN YOUR CLIENTS” – tạm dịch: “ĐỪNG BAO GIỜ VẤT VẢ HƠN KHÁCH HÀNG CỦA MÌNH”. Đây là điều mình học được từ chương trình đào tạo của The Coach Partnership (tiền thân là NewField Asia) và được khẳng định lại qua chia sẻ của Marshall Goldsmith (No. 1 Executive Coach của thế giới) trong cuốn “The art and practice of leadership coaching”.

Hôm đó là ngày cuối khóa, cả lớp ai nấy đã thấm nhuần lý thuyết, sẵn sàng lao ra giúp đời, giúp người. Dường như cảm nhận được sức nóng của mấy chục lò lửa đang hừng hực cháy, thầy mình mỉm cười bình thản bảo: “Các bạn nhớ: Đừng bao giờ vất vả hơn khách hàng của mình”. Xung quanh vài cái đầu gật gật. Mình choáng: “Là sao thầy, người ta trả tiền cho mình mà mình lại không hết lòng với họ?”

Điều này thật sự quá sai với giá trị sống và làm việc của mình trước đây. Công ty trả cho một đồng thì phải làm tới mấy đồng mới thấy không áy náy. Sáng mở mắt dậy đã nghĩ đến công việc; tối leo lên giường vẫn còn công việc; cuối tuần và ngày thường không khác gì mấy; tự hào được làm việc, để xứng đáng với sự tin cậy của sếp.

Mặc kệ lời thầy. Mình cứ là chính mình, bắt đầu hành trình bằng việc chăm bẳm khách hàng còn hơn sếp ngày xưa. Gửi email cho khách hàng vài ngày mà không thấy trả lời là hỏi han có cần giúp đỡ gì không. Khách hàng quên không làm bài tập trước giờ coaching, sẵn sàng dời lịch bất kể lúc nào. Khách hàng không thể tìm ra insights cho bản thân, cố gắng nặn óc để tìm cho họ, rồi còn tìm luôn giải pháp. Thường xuyên email nhắc nhở làm bài tập, cho những phần thưởng để họ làm bài đầy đủ. Sau khi kết thúc hợp đồng còn tặng thêm nhiều buổi nếu thấy mục tiêu còn dang dở.

Kết quả thật bất ngờ. Nhóm khách hàng không cần mình phải nhọc công chăm sóc lại đạt được kết quả mỹ mãn. Nhóm còn lại chẳng đi đến đâu. Có trường hợp mình kiên quyết trả lại tiền vì thật chẳng vui nếu nhận thù lao từ những hợp đồng như thế.

Sau những chuỗi ngày mệt mỏi tự dằn vặt, nghi ngờ năng lực bản thân, mình nhận ra Coaching là một hành trình mà kết quả của nó phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm, năng lực và sự sẵn sàng của người được coach. Coaching không phải là công cụ mầu nhiệm mà hễ cứ đến gặp Coach, nói chuyện vài buổi là tự nhiên không cần làm gì mà bản thân thay đổi rồi thành công tự tìm đến.

Coaching là hành trình phát triển bản thân mà người được coach sẽ được trải qua giai đoạn tự chiêm nghiệm để nhìn sâu về bản thân thông qua việc trả lời những câu hỏi của Coach, từ đó có được sự nhận thức mới (những điều mình chưa biết về chính mình) rồi có kế hoạch hành động mới và phải bắt tay vào thực hiện kế hoạch đã đề ra thì mới gặt hái được kết quả như kỳ vọng.

Mình nhận ra nhóm khách hàng cần được chăm sóc đặc biệt hoặc là chưa có kỳ vọng đúng về hành trình coaching (nghĩ rằng người Coach sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn vào thành công của họ), hoặc chưa thật sự sẵn sàng (họ có những mối quan tâm khác quan trọng hơn mục tiêu được coach), hoặc cũng có thể insights tìm ra sau mỗi buổi coaching chưa đúng nên họ chưa hào hứng bắt tay vào hành động…

Sau bao phen nếm trải “đau thương” mình mới thấm được bài học “Đừng bao giờ vất vả hơn khách hàng của mình”. Mình bắt đầu quan sát năng lượng của bản thân và của khách hàng từ giây phút đầu tiên gặp họ và xuyên suốt cả hành trình. Nếu cảm nhận mình đang phải ì ạch lôi kéo bạn đồng hành bước đi thì mình sẽ dừng lại, chia sẻ quan sát của mình và mời họ suy nghĩ về điều này. Điều ngạc nhiên lớn là khách hàng cũng không tự nhận ra và những quan sát này giúp họ có nhiều insights thú vị về bản thân và tỷ lệ thành công của mình ngày một tăng.

Mình học được bài học quý là Thành Công và Vất Vả không nhất thiết phải là “bạn thân”. Thật ra “không vất vả” là đang làm điều đúng đắn cho khách hàng. Càng giúp đỡ, càng vất vả hơn là đang làm hại họ vì cốt lõi của Coaching là giúp xây dựng sự độc lập, tự tin trong suy nghĩ và hành động của mỗi người. Và đó cũng chính là điều làm cho Coaching thật sự khác biệt với những lĩnh vực ngành nghề khác.

Bạn đã bao giờ nghe qua tư duy này?
Suy nghĩ và trải nghiệm của bạn?

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach