Vài tháng trước đây tôi bị đau bao tử khá nặng. Khám bệnh, uống thuốc mấy tháng trời, rồi đổi bác sỹ vài ba bận vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Đổi đến bác sỹ thứ 4 thì được hỏi: ‘Chị có bị stressed không?’ và tôi trả lời rất tự tin pha lẫn ngạc nhiên: ‘Không em ơi, chị không lo âu mệt mỏi gì cả. Chị rất yêu thích công việc mình đang làm’. Em bác sỹ vẫn nhẹ nhàng mà kiên quyết: ‘Chị cố gắng không làm việc 20-30 phút sau khi ăn để bao tử được nghỉ ngơi nhé’.

Dù không được thuyết phục lắm vì rõ ràng tôi không hề bị căng thẳng, nhưng câu dặn dò rất có tâm của em bác sỹ làm tôi bắt đầu quan sát ‘hành vi’ của mình. Ngày xưa ăn sáng xong là có 20-30′ thong dong ngồi bus đến công ty; ăn trưa xong được tám chuyện với đồng nghiệp một chút; chiều cũng hay hàng quán tụ tập bạn bè. Từ hồi thay đổi công việc, mỗi lần ăn xong là lao ngay vào bàn làm việc vì có bao nhiêu là thứ hấp dẫn đang chờ mình. Thời gian mỗi ngày trôi qua như cái chớp mắt.

Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả khi đã nhận thức rõ nguyên nhân gây bệnh của mình, rồi còn google biết bệnh có thể chuyển thành ung thư nếu để dây dưa quá lâu, thế nhưng tôi cũng không thể bắt mình nằm yên 20-30′ sau khi ăn. Tâm trí lỡn vỡn những chuyện cần làm, chân tay khó chịu ngay cả khi thấy đống chén đĩa còn nằm lăn ra đó sau mỗi bữa ăn. Và rất nhiều hôm quên, đến khi nhớ ra thì đã ngồi làm hì hục được mấy tiếng. Kết quả là bệnh thì có lúc giảm, có lúc lại y chang như những ngày đầu.

Thế là tôi bắt đầu tự hỏi bản thân: ‘Điều gì đã làm mình trở nên ‘nghiện’ việc đến vậy?’ Câu hỏi đơn giản ấy không ngờ đã cho tôi một vé tàu siêu tốc về đến tuổi thơ. Từ hồi còn bé tí tôi đã phải chơi một mình, làm bạn với thùng giấy, vỏ sò, con ốc vì trong xóm không có bạn nào bằng tuổi. Đến tuổi đi học cũng không quen được nhiều bạn, chắc tại không được ‘luyện’ kỹ năng kết bạn lúc còn ở nhà. Thế rồi tình cờ một lần học giỏi được cô giáo khen rồi được các bạn chú ý làm quen, tôi bắt đầu học được bài học là phải học giỏi thì mới có bạn chơi cùng. Và thế là tôi cặm cụi học từ cấp 1 lên đến đại học và vẫn tiếp tục giữ thói quen cặm cụi miệt mài ấy đến lúc đi làm. Hóa ra cái thói ‘nghiện’ việc của tôi là để có thể kết bạn, để không phải làm đứa trẻ 3 tuổi phải chơi với thùng giấy, vỏ sò. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi bần thần nhận ra mình đã cán đích từ rất lâu mà vẫn tiếp tục lao băng băng về phía trước.

Nhận ra insights ấy tôi cảm thấy nhẹ nhàng và thư thái nghỉ ngơi chứ không còn cảm giác ‘bị bắt buộc’ nghỉ ngơi nữa. Điều ngạc nhiên lớn là bạn bao tử đã vui vẻ trở lại mà không cần thuốc, rồi cái cuộc sống chậm chậm lại mang đến nhiều trải nghiệm thú vị: thấy não mình thư thái, thấm được nhiều kiến thức hơn, làm việc hiệu quả hơn, và thấy cuộc sống mỗi ngày trôi qua một ý nghĩa hơn.

Khi bạn ý thức được điều bạn cần thay đổi nhưng không thể thay đổi hành vi, rất có thể là do não bạn chưa thật sự được thuyết phục tại sao bạn phải làm như vậy. Đặt câu hỏi, lắng nghe những suy nghĩ và cảm xúc bản thân mình để tìm ra gốc rễ của vấn đề sẽ mang đến những kết quả thú vị và bất ngờ bạn nhé.

Bạn có thể liên hệ tôi qua website https://overflowingbuckets.com hoặc LinkedIn https://www.linkedin.com/in/thao-pham-thi-thanh-404bb828/. Tôi sẽ giúp bạn có góc nhìn mới mẻ về các vấn đề hóc búa để nhanh chóng đi đến mục tiêu.