Hít thở là chuyện phải làm mỗi phút mỗi giây, không cần học cũng phải làm được. Ngồi yên lại nghe sai sai vì cuộc sống chỉ có tất bật thêm mỗi ngày, mục tiêu năm nay luôn cao hơn năm ngoái, làm gì có chuyện thế giới chậm lại để ta có được vài phút thảnh thơi. Thế mà bạn thử tra cứu từ Mindfulness trên Amazon mà xem, có hơn 10.000 kết quả sẽ hiện ra. Chắc hẳn phải có điều gì đó hấp dẫn ở chuyện ngồi yên hít thở đấy thôi. 😉

Mindfulness (Sống chánh niệm) có nghĩa rộng hơn Meditation (thiền) rất nhiều. Theo hiểu biết của mình thì Thiền là tập trung vào hơi thở. Mình có thể ngồi thiền, đi thiền, chạy thiền và cả nằm thiền (thiền buông thư). Mindfulness là mình thật sự có ý thức, nhận biết rõ mình đang làm gì, suy nghĩ gì, biết được sự việc gì đang xảy ra trong mỗi phút, mỗi giây. Ở bài này mình chia sẻ những trải nghiệm của mình về Thiền, còn chánh niệm mình chưa dám chia sẻ, vì mình vẫn đang cố gắng thực tập mỗi ngày.

Thiền với mình đơn giản lắm. Đơn giản và dễ hiểu như chính những lời hướng dẫn trong cuốn Silence của Thầy Thích Nhất Hạnh mà mình có duyên học được hơn ba năm về trước: Ngồi yên, cảm nhận hơi thở vào, hơi thở ra, tận hưởng từng hơi thở và quan sát tâm trí của mình. Khi tâm trí bắt đầu lan man suy nghĩ thì tự nhắc mình quay lại tận hưởng từng hơi thở. Đơn giản vậy đó.

Nếu nói theo ngôn ngữ marketing thì cái sự wow đến với mình trong lần ‘thử sản phẩm’ đầu tiên là cái cảm giác đầu óc nhẹ nhàng, thư thái, không còn bị đặc nghẹt, căng thẳng, nhức bưng bưng như búa bổ chỉ sau 15 phút. Ôi 15 phút so với chuyện phải đi đâu đó xả stress cả buổi mới có thể quay lại ngồi vào bàn làm việc thì quá hấp dẫn với con người tham công tiếc việc như mình. Và thế là thực tập và thật sự bất ngờ về vô vàn lợi ích mà mình chẳng bao giờ dám mơ.

  1. Tăng khả năng tự nhận thức (self-awareness)

Tự nhận thức là tự mình quan sát được chính mình. Thiền là trò chơi đơn giản gồm hai động tác: hít thở và quan sát suy nghĩ. ‘Chơi’ một thời gian mình tự nhiên quan sát được suy nghĩ của mình cả những lúc không thiền. Bắt đầu ‘giải mã’ được những khoảnh khắc ‘tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn’ – đại đa số đó là những lúc rất vô duyên, đang an đang lành tự nhiên suy nghĩ lan man đến chuyện không vui chứ có ai làm gì. Thế là buông bỏ cho nó đi rồi vui trở lại.

2. Cải thiện khả năng truyền đạt/ diễn đạt suy nghĩ thành lời

Những đồng nghiệp cũ chắc hẵn biết rõ mình rất sợ phải thuyết trình trước đám đông. Đang ngồi ở townhall mà ai đó kêu Thảo đứng dậy phát biểu cái chắc mình bị đông đá, xong hận luôn người vừa mới tiến cử mình =)). Rồi những dịp sếp siêu to đến thăm, được các sếp to to ưu ái email trước bảo: ‘Thảo, hôm đó chuẩn bị một câu gì đó để hỏi nha’, thì dù có được cả tuần chuẩn bị, mình vẫn tim đập chân run, toát mồ hôi tay, mặt mũi nóng ran khi phải đứng dậy đọc cái câu đã thuộc lòng. Mà trước cái giây phút ‘trọng đại’ đó thì mắt nhìn sếp chia sẻ, đầu gật gật chứ có nghe, có nhớ sếp nói gì, não chỉ lẩm nhẩm mỗi cái câu chút nữa phải hỏi =)).

Khả năng quan sát từ Thiền đã giúp mình nhận ra rào cản lớn nhất của việc diễn đạt suy nghĩ là nỗi sợ bị đánh giá. Thiền đã giúp mình nhìn sâu vào gốc rễ của Sợ, khai quật và thay thế những niềm tin đang nuôi dưỡng bạn cảm xúc này. Chuyện chỉ đơn giản có vậy mà từ ngữ sau đó cứ tranh nhau tuôn ra.

Một lần đang đi dạo đường sách. Thấy diễn giả ngồi thuyết trình và trả lời câu hỏi, đột nhiên một suy nghĩ trồi lên: ‘Ôi, mình mà ngồi đó chia sẻ chắc vui lắm đây’. Mình đã bật cười sung sướng và thật sự biết ơn. Đó là giây phút mình tin chắc mình đã hoàn toàn vượt qua rào cản trong việc diễn đạt suy nghĩ thành lời.

3. Làm việc với cường độ cao với ít năng lượng tiêu hao

Thiền một thời gian mình bắt đầu ‘nếm’ được ‘vị’ của bình yên thật sự là như thế nào. Đó là lúc cơ thể mình hoàn toàn thả lỏng, đầu óc thư thái nhẹ tênh vì không có bất cứ một suy nghĩ khó chịu nào vương vấn quá lâu. Có những hôm thiền xong, mình có cảm giác của một cái cây mọc rễ thật vững chắc, có cảm tưởng không một ngọn gió hay thậm chí cơn bão nào có thể lay chuyển được.

Đó cũng là lúc mình nhận ra mình đã và đang sống trong sự căng thẳng quá lâu mà không hề ý thức được. Vì lúc quay lại bàn làm việc, phải đối mặt với những sự việc xảy ra hàng ngày, mình cảm nhận rất rõ sự khác biệt. Cơ thể mình thường xuyên căng, gồng lên và hơi thở ngắn lại, rất nhiều khi mình lại quên thở trong vô thức. Lần đầu tiên mình nhận ra cách mình đang sống và làm việc trong vài chục năm qua thật quá sai. Và thế là tự điều chỉnh, tự nhắc mình thở sâu, thả lỏng cơ thể nhiều hơn, không nhăn mặt nhíu mày, không cắn răng, không gồng tay, gồng vai khi gõ bàn phím… Và thế là cơ thể và tâm trí dễ chịu hơn rất nhiều vì năng lượng không phải tiêu hao cho mấy việc căng thẳng vô nghĩa.

4. Tìm được nhiều insights mà không cần nỗ lực

Ngày xưa mình được dạy phải trả lời câu hỏi Tại sao năm lần mới tìm ra được insights. Không hiểu sao bài học này không phù hợp với mình. Mỗi lần phải động não làm chuyện đó là mình đuối và bế tắc. Lúc đó mình rất hay tự hỏi liệu mình có hợp với công việc tìm insights.

Từ khi thực tập thiền thì insights đến với mình rất tự nhiên. Có lúc là đang thiền, có lúc là thiền xong và cũng có lúc là sáng sớm mới thức dậy. Mình phát hiện khi não thư giãn nhất là lúc insights hiện ra chứ không phải lúc mình phải căng thẳng động não. Mình có cảm giác câu trả lời luôn nằm sẵn đâu đó. Thiền giúp những suy nghĩ hỗn tạp lắng xuống và câu trả lời mình cần tìm có cơ hội ‘trồi lên’.

5. Sống với thật nhiều khoảnh khắc an yên

Nhờ tạo được thói quen quan sát được suy nghĩ và cảm xúc của bản thân, mình học được cách buông bỏ những suy nghĩ lặp đi lặp lại không hiệu quả, nhìn sâu và giải quyết những cảm xúc/ những tổn thương bên trong. Và khi mình dành ít thời gian sống với những cảm xúc khó chịu, mình có thêm nhiều thời gian tận hưởng cuộc sống với những cảm xúc dễ chịu.

Thiền không khó và mình không tin câu trả lời ‘Mình không có thời gian’. Vấn đề là ta có cảm nhận được lợi ích của việc mình đang làm hay không để có thể dành vài chục phút mỗi ngày cho một việc gì đó. Những hoạt động khác có thể cho ta thấy kết quả tức thì. Với Thiền thì mình cần một chút kiên nhẫn trước khi gặt hái được quả ngọt đầu tiên. Mình hy vọng bài viết này sẽ tạo thêm chút động lực cho các bạn đang quan tâm đến Thiền nhé.

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach