Chớp mắt mình đã “đi phượt” được 5 năm. ^^
Vẫn còn nhớ hồi cuối năm 2017, ngay sau khi đăng ký học lấy bằng Gallup Certified StrengthsFinder Coach là mình nộp đơn xin nghỉ việc. Xin nghỉ khi mà còn chưa lấy được tấm bằng. =))
Có đồng nghiệp thân khuyên “Hay là bà nói chuyện với một vài người đi trước xem sao?”. Mình ậm ừ cho qua. Lúc đó mình chỉ muốn rời chiếc xe bus sang trọng, leo lên chiếc xe máy cà tàng phóng đi thật nhanh. Ba tháng chờ đợi bàn giao việc cũ dài dằng dặc.
Sau này nhiều bạn gặp mình bày tỏ sự ngưỡng mộ vì lòng Can đảm. Lúc nghe khen mình thấy ngài ngại. Trong sâu thẳm, mình biết Can đảm không ngồi đằng sau xe máy của mình.
Thông điệp của Can đảm “I can do it even though I’m afraid”. Sợ đã không có mặt ở thời điểm đó. Mình đã ra quyết định mà không hề thấy bất cứ rủi ro nào. Một hành trình với quá nhiều cơ hội và cả sự an toàn.
Cơ hội: (1) công việc nhiều ý nghĩa. Coach thử cho người quen/ bạn bè/ bạn của bạn, ai cũng email cảm ơn chân thành. Có cảm giác trong mười mấy năm đi làm, chưa bao giờ mình nhận được nhiều lời cảm ơn sâu sắc đến vậy. (2) Giá coaching/ 1 giờ của các thầy cô toàn tính bằng ngàn đô hoặc tệ lắm là vài trăm đô (tự nhân ngày 8 tiếng, một tháng 20 ngày xong thấy tương lai rực rỡ =))).
An toàn: thất bại thì quay về làm công việc cũ, lương quá ổn.
Thế là mình cười toe toét lao đi. Càng đi mình càng nhận ra ấn tượng đầu tiên của mình về công việc này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trong 5 năm qua, có hai bài học lớn luôn thử thách mình. Chúng giúp mình trưởng thành hơn và làm cho hành trình phía trước thú vị hơn: BUÔNG BỎ và CHO ĐI.
BUÔNG BỎ
BUÔNG BỎ CUỘC SỐNG AN TOÀN
Xem lại file “Mục tiêu và kế hoạch cho năm 2018” mà mình không khỏi buồn cười. Lúc đó mình vẫn giữ thói quen ở công ty cũ, lên mục tiêu và kế hoạch rất chi tiết. Mỗi tháng phải có được bao nhiêu khách hàng, giá/ 1 giờ là bao nhiêu, sẽ tăng giá trong thời gian bao lâu, marketing chạy quảng cáo ngày nào trong tuần, viết nội dung gì, post tầm giờ nào trong ngày…
Quan sát khách hàng tìm đến và những hợp đồng có được theo thời gian, mình nhận ra rằng, khách hàng/ các hợp đồng/ thu nhập là điều không bao giờ mình có thể tiên đoán được. Tại giây phút này, mình không thể biết được thu nhập tháng sau là bao nhiêu, đừng nói là 1 năm.
Có những lớp học mình chạy quảng cáo trên FB ròng rã không ai đăng ký. Nản, mình đăng mở lớp cho vui mà không hy vọng gì nữa thì các bạn đăng ký ào ào. Hỏi ra thì cả lớp được một người bạn chung giới thiệu. Bạn ấy mình rất mến mà cũng lâu rồi không gặp.
Khách hàng đến hỏi báo giá, khách hàng có thể ký hợp đồng, khách hàng cũng có thể hẹn ngày làm hội thảo, rồi mọi chuyện có thể thay đổi trong chớp mắt. Dự án làm xong khách hàng không vui thì chắc chắn không có cơ hội thứ hai, còn khách hàng vui thì sẽ cho nhân viên đi học lấy cùng một loại bằng như mình.
Giống như mấy bịch nấm bào ngư mình đang trồng. Sáng hôm nay nấm con nhú ra rất tươi tốt, hứa hẹn những chùm nấm béo ú thơm tho. Sáng hôm sau có thể bị ốc ăn hoặc héo tàn vì trời nóng quá.
Mình đã phải tự vượt qua những thử thách của Lo và Sợ để thi đậu bài thi BUÔNG BỎ MONG MUỐN SỐNG MỘT CUỘC SỐNG AN TOÀN. (Giờ thì ai khen mình Can đảm, mình sẽ nhận liền =))).
BUÔNG BỎ KHAO KHÁT KHẲNG ĐỊNH BẢN THÂN
Hồi mới “phóng xe đi”, ai hỏi mình sẽ nói mình mong muốn được sống có ích. Mà thật ra trong sâu thẳm, mình có khao khát cháy bỏng là chứng minh cho cả thế giới biết mình sẽ lại thành công, và thành công hơn những gì mình đã có được ở công việc cũ. Mình sẽ lại có cuộc sống dư dã, danh tiếng, các bằng cấp, ảnh hưởng lên xã hội… và thậm chí còn thành công hơn những người coach nổi tiếng trên thế giới.
Những khao khát đó giúp mình lao đi rất nhanh trong thời gian đầu. Cháy hết mình để học và có được những bằng cấp cần thiết cho hành trình. Rồi cũng chính ngọn lửa đó đã làm mình kiệt sức rất sớm trên những chặng đầu tiên với sự hiện diện của Tức (sao mình nỗ lực nhiều vậy mà chẳng đạt được gì), Ganh tị và Chán nản (sao người ta dễ dàng có được điều này điều kia mà mình không có)…
Mình học được rằng, để có thể đi xa trên hành trình coaching thì phải buông bỏ tất cả những khao khát cho riêng mình. Nếu có một thứ cần mang theo, đó là SỰ CHO ĐI.
CHO ĐI
CHO ĐI ít hay nhiều không quan trọng. Điều quan trọng là không mong cầu bất kỳ điều gì dù là nhỏ nhất (ví dụ như là một lời cảm ơn).
Những ngày tháng đầu tiên mình đã đi cùng Thất vọng và Ấm ức.
Mình tự thấy bản thân đã cho đi quá nhiều, đã buông bỏ công việc ổn định, sống tốt hơn ngày xưa, bỏ công sức, thời gian giúp đỡ người khác, sao mà cuộc sống cứ bấp bênh. Có những lớp học mình bỏ thêm thời gian công sức rất nhiều, đổi lại là những lời hứa cho “đánh giá chương trình” mà chờ hoài không thấy. Những chương trình coaching gây quỹ mà có những người đã đăng ký với mục tiêu học hỏi coaching skill/ xem cách làm việc của mình thế nào, chứ chẳng phải nghiêm túc tham dự…
Nhờ sự có mặt của Thất vọng mà mình nhận ra mình vẫn còn MONG CẦU khi Cho đi. Mình đã mong cầu có được một cuộc sống ổn định, mong cầu học viên phải nói tốt về chương trình, mong cầu người tham dự phải có nhu cầu được coach thật sự…
Khi mình còn mong cầu, dù chỉ là một ít, Thất vọng ngay lập tức có mặt cùng Giận/ Tức và tụi nó sẽ hùa nhau chọc bể bánh xe của mình. =))
Nhờ Thất vọng mà mình có cơ hội nhìn rõ động cơ/ mong cầu đằng sau những lần Cho đi của chính mình. Tập cho bản thân mỗi ngày buông bỏ đi một chút để chiếc xe của mình được nhẹ nhàng hơn.
Bài này được viết để đánh dấu cột mốc 5 năm trên hành trình “đi phượt” của mình. Hy vọng 5 năm sau mình sẽ có thêm nhiều bài học thú vị khác để chia sẻ.
Bài viết cũng dành tặng anh chị/ các bạn hay hỏi mình về trải nghiệm trên hành trình coaching mà mình không có thời gian gặp để chia sẻ. Mong là sẽ hữu ích!
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
Mình đã học được Sự cho đi tuyệt đối từ bài giảng của Thầy Minh Niệm. Link ở đây cho bạn nào cần: https://youtu.be/UBFCVEN-eJ0