Tâm Trạng (Mood) và Cảm Xúc (Emotion), bạn có biết hai bạn này khác nhau ở điểm nào không? Theo định nghĩa Tâm lý học thì Cảm xúc mang tính nhất thời, đến cùng một sự kiện nào đó và ra đi khi sự kiện đó kết thúc; còn Tâm trạng là cảm giác đi theo bạn như hình với bóng trong một khoảng thời gian dài lâu.

Nếu một ngày đẹp trời bạn đang ngồi trong văn phòng, sếp đến bên bạn cười ‘bí hiểm’, gọi bạn vào phòng nói chuyện riêng rồi sếp bất ngờ cho biết bạn sẽ được thăng chức. Bạn vui sướng cười tươi rói vì lúc đó các bạn cảm xúc Sung Sướng, Tự Hào, Được Công Nhận … cũng vừa chạy đến chung vui với bạn. Nếu bạn là ‘người nghiện leo núi’, vừa chinh phục đỉnh này thì ngay lập tức phải nhắm đến ngọn khác cao hơn thì các bạn Cảm Xúc ấy chỉ ở lại với bạn chốc lát. Còn nếu bạn tiếp tục mời các bạn ấy về nhà với gia đình mình, tổ chức ăn mừng cùng bạn bè… rồi mỗi sáng thức dậy, bạn thấy mình lảm nhảm một bài hát vui tai, đến văn phòng với nụ cười tươi rói thì đó là khoảng thời gian bạn Mood Vui Vẻ đang theo bạn trên mọi nẻo đường.

Các nghiên cứu tâm lý học đã chứng minh: mỗi người chúng ta đều mang theo một hoặc một vài bạn Mood(s) bên mình, không ai thoát được quy luật này. Điều hết sức bình thường này chỉ trở nên bất thường nếu bạn mang bên mình một/ một vài bạn Mood(s) không mong muốn, ví dụ như Buồn Bực, Giận Dữ, Lo Âu, Sợ Hãi… trong thời gian quá lâu. Khi Moods ở với bạn trong một thời gian quá dài, chúng trở nên quá quen thuộc với bạn và đến một ngày chúng trở thành những người bạn Vô Hình. Ở trạng thái vô hình, chúng sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động, những quyết định và cách nhìn nhận cuộc sống của bạn. Ở mức độ cực đoan, chúng có thể giới hạn khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề mà bạn không hề hay biết, thậm chí bạn còn tự tìm cách biện hộ cho chúng.

Cách đây nhiều năm tôi có đi học bơi. Khi bắt đầu nổi được trên nước thì vui sướng vô cùng. Sau khi bơi chán chê ở khu vực 1.3m thì rất tự tin bơi ra độ sâu 1.8m. Trong một lần bơi qua độ sâu ấy thì tôi bị hụt hơi. Hôm ấy hồ bơi rất vắng, thầy lại ở tít đằng xa. Cái cảm giác vừa sặc nước, vừa sợ hãi, nhìn ra xa thì thầy đang quay lưng về phía mình làm tôi thêm hoảng loạn. Rất may là thầy nghe tiếng tôi và nhanh chóng bơi ra lôi vào bờ. Khi tay đã vịn được vào thành hồ, hít thở sâu và đều đặn thì bạn Sợ Hãi cũng ra đi. Thế nhưng từ đó tôi không bao giờ quay lại hồ bơi. Lâu dần tôi không nhớ nhiều về câu chuyện ấy nhưng tôi thấy mình rất ‘tự nhiên’ từ chối đi chơi những nơi có sông nước, đi tàu thuyền, những nơi mà tôi cảm nhận có nhiều rủi ro… với nhiều lý do khác nhau mà không nhận ra bạn Sợ Hãi luôn đứng đằng sau những chọn lựa ấy.

Đó là một câu chuyện cá nhân đơn giản. Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp Lo Lắng, Buồn Bực, Oán Giận, Sợ Hãi … trở nên vô hình và cản trở bước đường đi đến mục tiêu, và đôi khi làm các bạn lạc lối.

Khi bạn chưa tìm ra hướng đi cho các vấn đề nhức nhối của mình, hoặc khi bạn đã muốn thay đổi nhưng vẫn không thực hiện đươc, có thể là não bạn chưa tìm ra được giải pháp mà cũng rất có thể một/ hoặc một vài người bạn Vô Hình nào đó đang che mất tầm nhìn của bạn. Nâng cao sự tự nhận thức về Moods của mình sẽ giúp bạn tìm ra gốc rễ của vấn đề và có hướng đi hiệu quả hơn bạn nhé.

Bạn có thể liên hệ tôi qua website https://overflowingbuckets.com hoặc LinkedIn https://www.linkedin.com/in/thao-pham-thi-thanh-404bb828/. Tôi sẽ giúp bạn có góc nhìn mới mẻ về các vấn đề hóc búa để nhanh chóng đi đến mục tiêu.

Các bạn có thể tham khảo thêm tài liệu về Moods & Emotions ở đây:

  1. Emotional Intelligence by Daniel Goleman.
  2. On Moods & Emotions by Rafael Echeverria, PhD