Niềm tin giới hạn thật muôn màu. Chúng có thể là những nhận định về bản thân ‘Mình chỉ cần cù bù thông minh’, hay nhận định về con người, sự việc xảy ra xung quanh ta ‘những người ăn nói khéo léo thường không chân thành’, ‘thành công của mình phần lớn nhờ may mắn’.

Nếu ta tin ‘mình chỉ cần cù bù thông minh’, ta sẽ luôn cần mẫn làm việc ngày đêm để hoàn thành công việc tốt nhất. Sự cần cù chăm chỉ qua năm tháng sẽ mang lại chữ tín nơi sếp/ đối tác nhưng niềm tin này có thể làm ta thiếu tự tin nắm bắt những cơ hội được xếp loại cần sự thông minh nhanh nhạy.

Nếu ta tin ‘những người ăn nói khéo léo thường không chân thành’, ta có thể dè chừng, không mở lòng với đồng nghiệp/ đối tác giỏi giao tiếp. Niềm tin này cũng có thể cản trở ta luyện tập, trau dồi khả năng ngôn ngữ vì đương nhiên ta không muốn nằm trong chiếc rổ ‘không chân thành’ do mình tự dán nhãn.

Và nếu ta tin ‘thành công của mình phần lớn nhờ may mắn’, ta sẽ luôn khiêm nhường nhưng đồng thời cũng không tự công nhận đóng góp của bản thân khi đạt được thành tựu. Lâu dần thói quen này làm xói mòn sự tự tin, và có đôi khi làm ta lạc lối vì chẳng biết mình thật sự giỏi lĩnh vực nào.

Trên hành trình coaching, mình nhận thấy có vài loại Niềm tin giới hạn sau:

Loại 1: ‘trời ơi, sao nó sai quá!’ rồi ‘không hiểu từ đâu mà em/ chị tin như vậy’

Nghe khách hàng oà ồ như vậy là biết niềm tin vừa mới được ‘khai quật’ sẽ mau chóng được ‘hoá thạch’. Khách hàng sẽ ngay lập tức quên và dễ dàng tìm ra một niềm tin mới để thay thế.

Loại 2: niềm tin giới hạn đang gây ra nhiều khó khăn nhưng vẫn đang hữu ích ở một khía cạnh nào đó trong công việc/ cuộc sống.

Ví dụ như mình đã từng tin ‘Mình chưa bao giờ đủ giỏi trong lĩnh vực mình đang làm việc’. Niềm tin này làm mình luôn thấy mệt mỏi, thiếu tự tin khi nhìn thấy những thành tựu của đồng nghiệp xung quanh nhưng lại là động lực để mình không ngừng phấn đấu. Để bỏ đi phần làm mình mệt mỏi và vẫn giữ lại phần động lực, mình đã phải thay đổi niềm tin thành ‘Mình biết mình đã đạt được những cột mốc quan trọng và mình vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển thêm nữa’.

Loại 3: niềm tin đang gây ra một số phiền toái nhất định nhưng vẫn còn hỗ trợ rất nhiều khía cạnh trong công việc và cuộc sống.

Trong trường hợp này, các khách hàng thường chọn giữ lại niềm tin cũ, thay đổi mục tiêu của họ nhưng vẫn để mắt đến những rắc rối trong tương lai (nếu có) do niềm tin này mang lại. Và họ biết sẽ phải làm gì khi tác hại lớn hơn lợi ích mà nó mang lại.

Để dễ hình dung người thật việc thật, các bạn có thể đọc cảm nhận của em Lê Minh Thuyết về khoảnh khắc ‘khai quật’ được niềm tin của mình. Thuyết hiện là Growth Specialist ở công ty start-up âm nhạc Amanotes.

—–

Trước đến giờ bản thân em luôn cảm thấy không bao giờ thỏa mãn về những thứ mình làm ra và tự hào thật sự về nó. Thậm chí, có rất nhiều ngày em còn tự chỉ trích bản thân và cảm nhận không vui vẻ mấy khi bản thân em phải sử dụng đến trí não và tư duy của mình. 

Em cảm thấy rất may mắn khi có chị đồng hành cùng em qua những buổi Ontological Coaching. Ban đầu nghe về nó, em tự hiểu là: “Em sẽ tự tìm ra câu trả lời cho vấn đề của mình thông qua những câu hỏi”, tuy nhiên, em có rất nhiều tò mò và thắc mắc liệu em có tìm ra được câu trả lời hay không? 

Sau các buổi coaching, em nhận ra có những suy nghĩ, niềm tin chắc là hiển nhiên thì đấy lại là niềm tin “giới hạn” của chính bản thân mình. Em vẫn còn buồn cười khi nghĩ lại việc em có niềm tin: “Ai giỏi thì giỏi từ khi sinh ra rồi” =))) hay là việc luôn đặt ra những kỳ vọng “ngầm” cho bản thân để tìm kiếm niềm vui khi đạt được mà không hề tự reflect lại là kỳ vọng có hợp lý hay không và mình đã cố gắng như thế nào cho cái kỳ vọng này của mình!

Và ngay buổi cuối cùng, chị đã giúp em connect lại được suy nghĩ mà chắc cả 2 chị em mình đều rất happy và enjoy together chị nhỉ: “Niềm vui có thể đến từ những thứ đơn giản nhất, không nhất thiết phải là đạt được những kỳ vọng của bản thân hay là phải làm được thứ này thứ kia. Đôi khi những điều đơn giản nhất, sống trọn vẹn với giây phút hiện tại hay mỉm cười với những thứ mình đang có là bản thân sẽ cảm thấy an lạc và yên vui rồi”

Cảm ơn chị luôn xuất hiện và là người bạn đồng hành để lắng nghe những tâm sự của em và là người mở đường về việc tìm hiểu bản thân và sống một cách trọn vẹn nhất, không còn chỉ trích bản thân nhiều nữa!

Gửi Thuyết: Cảm ơn em đã cho phép chị chia sẻ câu chuyện rất chân thật của mình. Chúc mừng em đã tìm thấy công thức Niềm vui của riêng mình. Chị chúc em ngày một yêu bản thân mình hơn và sống trọn vẹn mỗi ngày!

#HowOntologicalCoachingCanHelp

Thao Pham

ICF Professional Certified Coach