Limiting belief (Tạm dịch: Niềm tin giới hạn) là thuật ngữ rất quen thuộc với những ai quan tâm đến lĩnh vực Coaching. Đây là ‘thông tin’ cần phải nghe cho bằng được trong buổi nói chuyện vì nó nắm giữ rất nhiều insights về khách hàng và luôn là yếu tố cản trở hành trình đi đến mục tiêu của họ.

Hiểu nôm na thì Niềm tin là bất cứ điều gì mỗi cá nhân cho là đúng. Chúng được hình thành từ trải nghiệm sống rất riêng của mỗi người, không ai giống ai và điều quan trọng hơn cả là: Niềm tin quyết định hành động – chúng ta sẽ làm tất cả để có thể sống đúng với niềm tin của mình.

Nếu ta tin ‘mình chỉ cần cù bù thông minh’, ta sẽ miệt mài chăm chỉ không ngừng. Nếu ta tin ‘chuẩn bị chu đáo là công thức của thành công’, ta dành thời gian lên kế hoạch, trù liệu mọi chuyện để mong đạt kết quả tốt nhất. Nếu ta tin ‘thất bại là một phần tất yếu của thành công’, ta chấp nhận thất bại dễ dàng, nhanh chóng đứng lên làm lại sau những lần vấp ngã. Nếu ta tin ‘Thất bại thể hiện sự yếu kém’, ta sẽ bằng mọi giá tránh xa rủi ro có thể làm mình thất bại.

Không có Niềm tin hoàn toàn ĐÚNG hoặc hoàn toàn SAI. Đơn giản vì nó có thể đúng với người này, không đúng với người khác, đúng tại thời điểm này nhưng lại không phù hợp tại một thời điểm khác. Sai hay đúng không quan trọng hay đáng để tranh cãi. Điều quan trọng chúng ta cần nhìn ra là chúng đang chi phối những hành động nào của mình, chúng có đang giới hạn tiềm năng, là rào cản cho những mục tiêu mình đang đề ra hay không.

Ví dụ như bản thân mình đã từng rất ngưỡng mộ những bạn có thể trả lời lưu loát những câu hỏi bất ngờ khi thuyết trình trước đám đông. Mình đã cố gắng chuẩn bị thật nhiều nhưng càng chuẩn bị mình càng hồi hộp và não càng đơ khi gặp phải những câu hỏi nằm ngoài sự dự đoán trước đó. Thì ra ẩn sâu bên trong mình tin ‘Chỉ có chuẩn bị chu đáo mới có thể trả lời những câu hỏi bất ngờ’.

Sau khi tự ‘khai quật’ niềm tin đã ăn sâu từ thời còn cắp sách đến trường, và tự quan sát bản thân những lúc xuất thần trả lời được những câu hỏi hóc búa với thật nhiều insights, mình nhận ra sự khác biệt giữa những lúc thành công hay thất bại nằm ở chỗ mình có thật bình tĩnh và có mindful (chánh niệm) hay không, còn kiến thức thì hầu như lúc nào cũng đã chuẩn bị kỹ. Và thế là niềm tin cũ dần bị thay thế bởi niềm tin mới ‘Với Mindfulness, mình có thể trả lời những câu hỏi bất ngờ’ khi những chứng cứ mới được thu thập ngày càng nhiều.

Do đó, khi bạn trầy trật hoài mà vẫn không đạt được điều mình muốn, bạn thử:

  1. Chiêm nghiệm xem có niềm tin nào đang kéo bạn về hướng ngược lại?
  2. Niềm tin đó từ đâu mà ra? Có đôi khi bạn sẽ oà ồ như một số khách hàng của mình ‘Ôi, tại sao em/ chị lại tin vào điều vớ vẩn ấy nhỉ?’
  3. Nếu niềm tin ấy hoàn toàn không vớ vẫn nhưng nó lại là rào cản trên con đường đi đến mục tiêu, thì bạn có sẵn sàng buông bỏ/ thay đổi niềm tin ấy không?
  4. Nếu có, niềm tin mới của bạn là gì?
  5. Bạn sẽ làm gì để thu thập chứng cứ để nuôi dưỡng niềm tin mới ấy cho bạn?

Chúc bạn tìm thấy những niềm tin mới có thể giúp bạn mau mau chạm đến những cột mốc quan trọng trên hành trình của mình.

#HowOntologicalCoachingCanHelp

Thao Pham

ICF Professional Certified Coach