#vipassanaretreat2023
Ngày đầu tiên vừa đặt chân đến Dhamma Malaya là tụi mình phải “giao nộp” hết toàn bộ những “thứ” có thể nạp thông tin vào não như điện thoại, sách, kindle… Im lặng hùng tráng (noble silence) bắt đầu có hiệu lực từ chiều ngày 0 và kết thúc vào sáng ngày 10.
Sau 10 ngày im lặng tuyệt đối (thật ra mình có tự lẩm bẩm vài lần trong phòng riêng hihi) và thậm chí còn không được giao tiếp bằng ánh mắt, đến sáng ngày 10 thì chao ôi là vui. Ai cũng cười toe toét. Câu đầu tiên không phải là “How are you?” hay “What’s your name?” mà là “How is your experience?” =)).
Nhờ câu hỏi này mà mình bất ngờ nhận ra không phải ai cũng thu nhận được lợi ích như ai. Có bạn nói tuyệt vời, có bạn nói nhất định sẽ đi nữa và cũng có cô bạn người Đức rất thành thật: “Mình thấy thú vị mà cũng thấy … confused”. Hỏi confused chỗ nào thì bạn không trả lời mà hỏi ngược lại: “Thảo, bạn nói là đã đọc sách của Thầy Goenka trước khi đến đây. Vậy bạn có thấy cái research nào chứng minh cơ thể mình có sensations không?”
Ồ, thì ra bạn chưa tin chuyện khắp nơi trên cơ thể mình đều có sensations (cảm giác) nên không thể tập trung làm theo hướng dẫn của Thầy. Chắc là vậy mà mình nghe bạn hay thở dài và thường xuyên thay đổi tư thế ngồi trên thiền đường – bạn ngồi ngay sau lưng mình.
Câu hỏi của bạn làm mình khựng lại vài giây. Chứng minh khoa học thì mình tình cờ tìm được, nhưng tụi nó không phải là điều làm mình tin Thầy Goenka ngay lập tức khi nghe Thầy nói về sensations trên cơ thể.
Lần đầu tiên mình học được cơ thể con người hay bất cứ đồ vật nào xung quanh ta (cái ly, quyển sách, cái bàn, cái ghế…) đều là những cấu trúc rỗng, được cấu tạo từ những hạt hạ nguyên tử (tạm dịch từ subatomic particles) là từ sách của Thầy Thích Nhất Hạnh.
Video mình tìm được từ trang TedEd (link ở phần comment) cho thấy những nghiên cứu khoa học cho cùng một kết quả. Bất cứ sinh vật/ vật thể nào trên trái đất đều có cùng một thành phần cấu tạo nhỏ nhất là hạt Quark (tính đến thời điểm hiện tại mà các nhà khoa học tìm được). Các hạt này có đặc điểm chung là rất nhỏ, chuyển động siêu nhanh.
Trong trường hợp cơ thể của chúng ta thì khi nhận thức (awareness) tạo ra suy nghĩ/ đánh giá (judgement), suy nghĩ/ đánh giá tạo ra cảm xúc (emotions), và cảm xúc tạo ra những dòng hoá sinh (biochemical). Nếu là cảm xúc dễ chịu thì dòng hoá sinh tạo ra những xung động dễ chịu còn cảm xúc khó chịu thì dòng hoá sinh tạo ra những xung động (sensations) khó chịu cho cơ thể.
Ví dụ như khi nghe có ai đó khen mình, cảm xúc Tự hào, Vui… đến làm tim mình đập hơi nhanh, cơ thể thấy dễ chịu/ lâng lâng, miệng tự nhiên mỉm cười.
Khi nghe ai đó chê điều gì đó, Bực bội, Giận, Tức, Xấu hổ… có thể đến làm tim mình cũng đập nhanh nhưng ngực thấy nằng nặng, nong nóng ở mặt, ở cổ, căng ở vai… Và nếu như mình bắt đầu phản ứng lại (đáp trả bằng những lời gây tổn thương cho người kia, nhăn mặt nhíu mày…) thì mình bắt đầu tự tạo ra thêm nhiều cục cảm xúc Bực bội khác. Những cục Bực bội này, đến lượt chúng, lại tạo ra thêm nhiều dòng hoá sinh nữa, làm cho cơ thể mình lại càng thêm khó chịu. Trải nghiệm của bản thân mình thì khi bực ai, mình càng nói lớn tiếng/ phản ứng lại thì cơ thể mình càng mệt và mình càng giận thêm.
Kỹ thuật thiền Vipassana không khó nhưng nếu nghe giảng mà chưa tin, còn nghi ngờ thì sẽ rất khó để làm theo và không làm theo thì không thể có những trải nghiệm, thu được lợi ích cho mình. Những giờ ngồi thiền sẽ như dài dằng dặc.
Nói chuyện một hồi tụi nó cắt cớ hỏi: “Thảo, bạn nói đang thực tập theo pháp môn của Làng Mai. Giờ học thiền Vipassana xong thì bạn thực tập làm sao?”
Mình hơi bất ngờ, suy nghĩ một lát rồi nhận ra cũng đâu có gì khó. Mình cũng lại tiếp tục sống theo nếp sống học được từ Làng: thức dậy lúc 4 giờ sáng, kỷ luật thiền tập ít nhất 2 lần sáng tối, cố gắng thực tập sống trong hiện tại nhiều nhất có thể trong ngày, vẫn nghiện đọc sách của Thầy Thích Nhất Hạnh =)))… còn những giờ thiền thì mình sẽ thiền bằng kỹ thuật Vipassana.
Ngày thứ 10 mình mặc chiếc áo của Làng Mai có chữ thư pháp của Thầy Thích Nhất Hạnh: No mud, no lotus. Nhiều bạn nhận ra ngay. Bạn manager người Malaysia cười tươi rói, chỉ tay vào áo mình: “Tui biết câu này của ai”. Mình cười toe toét.
Một cô bạn Malaysia cũng mở cửa phòng ra gặp mình: “Thảo, sáng nay mình đang suy nghĩ chọn nơi retreat tiếp theo, thấy cái câu No mud, no lotus trên áo bạn là mình biết duyên với Làng đã đến. Vẫn nhớ lần đầu tiên gặp được thiền sư năm 2011, mình chưa bao giờ thấy ai mà chỉ cần nhìn họ bước đi từ xa đã làm cho mình bình an đến thế. Đó là một khoảnh khắc mầu nhiệm mình không bao giờ quên.”
Mình mỉm cười vui cho bạn với một chút ganh tị: Bạn thật may mắn khi biết đến Thầy sớm hơn mình.
Sau tất cả, BIẾT ƠN là cảm xúc còn đọng lại trong trái tim mình.
Biết ơn duyên lành đã cho mình đọc được sách của Thầy Thích Nhất Hạnh.
Biết ơn vì được đến Làng Mai học và thực tập nếp sống an lành.
Biết ơn vì được học và thực tập phương pháp thiền Vipassana của Thầy Goenka.
Có bạn nào đã đến hai nơi, Làng Mai và trung tâm retreat Vipassana của Thầy Goenka? Bạn đang thực tập ra sao trong công việc và cuộc sống hằng ngày?
Links to TedEd (nghiên cứu về hạ nguyên tử)
https://ed.ted.com/lessons/the-standard-model-of-particle-physics-jonathan-butterworth
Vài cuốn sách mình đã đọc trước khi đi, dành cho các bạn nghiện sách ^^:
Meditation Now – Inner Peace through Inner Wisdom: https://www.amazon.com/Meditation-Now-Inner-through-Wisdom-ebook/dp/B085X3X4HK/ref=tmm_kin_swatch_0?_encoding=UTF8&qid=&sr=
The discourse summaries of S.N. Goenka: https://www.amazon.com/Discourse-Summaries-Vipassana-meditation-condensed-ebook/dp/B085WJL3CY/ref=tmm_kin_swatch_0?_encoding=UTF8&qid=&asr=
The Art of Living – Vipassana Meditation: https://www.amazon.com/Art-Living-Vipassana-Meditation/dp/0060637242
The Art of Dying: https://www.amazon.com/Art-Dying-S-N-Goenka/dp/1928706355