Bạn và Anger là đôi bạn thân. Mỗi lần bạn ấy đến chơi là có ‘thương vong’ nhưng bạn không sao đuổi khéo được người bạn có ‘quá nhiều năng lượng’ này.

Bạn rất thích được chia sẻ/ thuyết trình trước đám đông nhưng Hồi Hộp/ Lo Lắng luôn đến ‘động viên tinh thần’ bạn trước đó đến vài tuần, rồi Sợ Hãi cổ vũ quá mức làm bạn đóng băng mỗi khi bước lên sân khấu.

Bạn biết mình khao khát điều gì nhưng lại để Lo Lắng và Sợ Hãi ghì chặt cánh cửa cơ hội.

Bạn hiểu dồn nén cảm xúc giống như mang bom nổ chậm đến công ty rồi rón rén về nhà mỗi ngày nhưng không thể tìm được cách ‘tháo ngòi’ an toàn. Lâu lâu lại cho ‘nổ bom cảm tử’ có tầm sát thương trên diện rộng.

Dù là vấn đề hóc búa đến đâu thì điểm chung là não bạn hiểu rất rõ mình cần gì, muốn gì, nhưng chẳng thể nào điều khiển được cảm xúc hay hành vi. Có thể đã đến lúc bạn cần tìm hiểu về Ontological coaching.

Ontological coaching là gì?

Tôi xin phép được giữ nguyên tên tiếng Anh vì dịch ra tiếng Việt cũng chẳng dễ hiểu hơn. Triểt lý của Ontological coaching cho rằng khi chúng ta chưa thể thay đổi hành vi của mình, đó là do chưa đạt được sự ‘đồng thuận’ của Lý trí, Cảm xúc và Cơ thể để nhìn sự việc một cách khác đi.

Tại sao Lời nói/ Suy nghĩ, Cảm xúc, và Ngôn ngữ Cơ Thể lại quan trọng trong thay đổi hành vi?

Từ nhỏ chúng ta được học lắng nghe bằng tai và suy nghĩ bằng não. Khi gặp vấn đề nhức óc thì việc đầu tiên cần làm là ‘ngồi suy nghĩ’ cái đã. Không cần bàn cãi về tầm quan trọng của suy nghĩ/ hay lời nói. Nhưng có thật là chúng có tầm quan trọng bậc nhất? Lắng nghe và tin tưởng Lý trí tuyệt đối có giải quyết được vấn đề?

Theo nghiên cứu tâm lý học của trường phái Ontological, khi bạn đang không nói những điều mình thật sự muốn, phần trăm sự thật từ lời nói chỉ là 7%, sự thật đến từ cảm xúc là 38% và từ ngôn ngữ cơ thể là 55%.

Khi bạn không giải quyết được vấn đề hóc búa của mình, không có nghĩa là bạn đang cố tình nói dối coach của mình/ hay lừa dối chính bản thân bạn, mà là do Lý Trí nói quá nhiều và cho bạn vô số thông tin nhiễu.

Phần nhiều chúng ta không quen lắng nghe cảm xúc. Tệ hơn là được học phải che giấu cảm xúc mới trở thành người mạnh mẽ/ thành công. Hậu quả là rất nhiều người không gọi được tên cảm xúc mà mình đang trải qua. Mỗi cảm xúc lại mang một thông điệp riêng. Giận Dữ nói rằng đã đến lúc bạn cần cho người khác biết ranh giới của bạn, Nỗi Buồn khuyên bạn nên buông bỏ để đón nhận cái mới, …

Ngôn ngữ cơ thể lại là một vùng đất hoang vu ít được quan tâm. Mỗi tư thế đứng, ngồi, thậm chí cách ta thở khi nói chuyện cũng mang một thông điệp nhất định.

Nếu những thông điệp của Lý trí, Cảm Xúc và Cơ Thể không tìm được tiếng nói chung, việc thay đổi hành vi hoặc là không thể hoặc chỉ mang tính nhất thời.

Nếu bạn muốn lúc nào gặp các sếp cũng thật tự tin, thì ngoài việc Lý trí gào lên inh ỏi ‘Mình nhất định sẽ tự tin. Mình nhất định sẽ gây ấn tượng tốt vào buổi thuyết trình ngày mai’, thì Cảm xúc đi cùng phải là Hào hứng hoặc Tự tin và cơ thể cũng phải thể hiện cùng một thông điệp. Chứ không thể chỉ có Lý trí tự tin còn Cảm xúc lại là Sợ Sệt và tư thế thì co ro trước mặt sếp.

Ontological coaches sẽ giúp bạn đặt những câu hỏi gợi mở, lắng nghe cách bạn dùng ngôn ngữ/ lời nói để nhìn tận sâu bên trong sự việc, soi rọi những niềm tin đã được hình thành từ sâu thẳm trong bạn, lắng nghe những cảm xúc bị lý trí dồn nén, và quan sát ngôn ngữ cơ thể để từ đó giúp bạn có cách nhìn khác đi về sự việc, thay đổi hành vi bền vững và đạt được mục tiêu đề ra.

Chúng ta là những cá nhân độc đáo, mỗi người đều có thể tự tìm thấy câu trả lời cho vấn đề hóc búa của riêng mình. Điều bạn cần là một người nào đó luôn lắng nghe, biết cách đặt câu hỏi đúng lúc, đúng thời điểm và đi cùng bạn về đích.

Bạn có thể liên hệ tôi qua website https://overflowingbuckets.com hoặc LinkedIn https://www.linkedin.com/in/thao-pham-thi-thanh-404bb828/ để đọc cảm nhận của các bạn đã được coach bằng trường phái Ontological. Bạn cũng có thể nói chuyện với tôi trước để tìm hiểu xem Ontological coaching có thể giúp bạn giải quyết vấn đề hóc búa của mình không nhé.