Phẫn nộ (Indignation) có năng lượng khá giống như Giận (Anger) hoặc Tức (Resentment). Khi các bạn này đến thăm, chúng ta thường có cảm giác “nổi điên” 😅. Sự khác biệt nằm ở thông điệp và sự “xúi giục” của mỗi đứa.

Nếu như Giận thường hay nói với ta có chuyện gì đó sai trái đang xảy ra; hoặc Tức sẽ hay to nhỏ về một điều gì đó bất công đang xảy đến với mình, và hai đứa đó hay xui khiến mình trừng phạt hoặc thậm chí là “trả thù” người kia; thì Phẫn nộ chỉ muốn nói rằng “mình xứng đáng được đối xử tốt hơn” và “xui” mình phải có hành động để tự bảo vệ mình.

Theo quan sát của mình, Phẫn nộ cũnng là một bạn cảm xúc hay lui tới chốn công sở. Nhận diện và phân biệt rõ Phẫn nộ với Tức/ Giận sẽ giúp ta chuyển hoá năng lượng của bạn này hiệu quả hơn và giữ được mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác của mình.

Mời bạn đọc trải nghiệm của mình và Phẫn nộ qua câu chuyện sau.

PHẪN NỘ (INDIGNATION)

Hồi giãn cách đợt một do Coronavirus, mình nhận được một hợp đồng làm hội thảo trựctuyến giúp phát triển tài năng đội nhóm cho một công ty đa quốc gia. Hai hội thảo đầu tiên dành cho các bạn Quản trị viên tập sự và phòng Nhân sự diễn ra tốt đẹp. Suốt buổi học các thành viên hào hứng tương tác, phát biểu, đặt rất nhiều câu hỏi thú vị, năng lượng tích cực tràn ngập. Hai buổi học chiều trôi qua trong chớp mắt. Kết quả đánh giá bước đầu vô cùng khích lệ, hứa hẹn thành công vang dội cho toàn bộ dự án.

Một tuần sau, chương trình được mở rộng cho cấp quản lý của các phòng ban thì “chuyện lạ” xảy ra. Một số camera nhất định ngủ trưa, làm cách gì cũng không chịu mở mắt. Các bàn phím lại năng nổ quá mức, cứ lọc cọc làm việc suốt. Điện thoại thì liên tục réo gọi, nằng nặc đòi nói chuyện riêng với chủ nó. Kết quả khảo sát cuối buổi học thê thảm và mình thì mất ngủ.

Hôm ấy là sáng thứ bảy. Mình mở máy tính, đang ngồi đăm chiêu suy nghĩ viết một chiếc email cho hai bạn đối tác phòng nhân sự thì Phẫn nộ đến chơi. Chẳng đợi kéo ghế mời ngồi, nó đã ào đến bàn làm việc, giọng to rõ nghiêm túc:

“Thảo, bạn mong muốn giúp người khác khai phá tiềm năng của họ, giúp họ yêu quý và phát triển bản thân. Vậy mà trong mấy lớp học vừa rồi, mình thấy bạn đã phải bỏ công sức rất nhiều để giúp họ tập trung trong lớp học. Năng lượng bạn bỏ ra gần như gấp đôi những lớp trước còn người tham dự thì ngồi đó thảnh thơi, làm việc riêng, đã vậy còn đưa ra phản hồi không tốt về bạn. Bạn không thể để người khác đối xử với bạn như vậy được. Bạn xứng đáng được tôn trọng và đối xử tốt hơn”.

“Bạn nói đúng, Phẫn nộ” Mình trả lời “Tình huống này chưa bao giờ xảy ra trước đây. Những học viên lớp cũ luôn đến lớp với tinh thần học hỏi và khao khát được phát triển bản thân. Các bạn ấy thích chia sẻ, đặt câu hỏi và không khí luôn sôi nổi, hào hứng. Không khí ở hai lớp vừa rồi nặng nề. Có vẻ như những người tham dự nghĩ rằng sự thành công hay thất bại của buổi học là do một mình mình phải chịu trách nhiệm”.

Mình đã viết một chiếc email mời các bạn đối tác phòng Nhân sự họp để chia sẻ quan sát và tìm kiếm sự hỗ trợ. Trong nhiều thông tin được các bạn ấy chân thành chia sẻ, cụm từ “được đề cử tham gia khóa học” làm tim mình “nhoi nhói”.

“Được đề cử đi học” có nghĩa là một ngày trời đẹp như mọi hôm, bạn đang ngồi ở bàn làm việc, cắm mặt phân tích, làm báo cáo, trả lời điện thoại của đối tác với hàng tá các cột mốc phải nộp bài đang chờ đợi bạn. Thì rồi ‘ding’ từ trên trời rơi xuống hộp thư bạn một chiếc email của sếp với dòng chữ: “Chúc mừng! Bạn được đề cử đi học khóa “Yêu tài năng và thế mạnh của mình”…” Mục tiêu của khóa học được viết rất chi tiết trong email cùng hàng loạt những lợi ích của nó. Nhưng email dài quá mà cái danh sách công việc hôm nay lại còn dài hơn. Bạn chặc lưỡi “Thôi chút nữa đọc sau”. Cái lời hứa “chút nữa” bị nhấn chìm sau vài chục cái email khác. Ngày hội thảo rồi cũng đến, bạn nhớ ra chưa đọc nội dung khóa học rồi bạn tự nhủ “Thôi vào lớp thế nào giảng viên cũng nói cho nghe”. Rồi giảng viên là mình, cứ đinh ninh rằng mọi thứ đã được thông báo tường tận và học viên đến lớp là những người đã tự đăng ký ghi danh cho chương trình này. Ngồi trong lớp vài tiếng đồng hồ mà không hiểu mình sẽ nhận được điều gì, lợi ích ra sao trong khi công việc bay đến tới tấp thì thật khó chịu.

Các bạn HR và mình đã làm một thay đổi nhỏ: Thông báo rõ mục tiêu khóa học cùng lợi ích ngay từ những phút đầu vào lớp. Điều này giúp giải quyết “nỗi đau’ của học viên. Sau đó là thông báo về trách nhiệm của hai bên để giải quyết “nỗi đau” của mình. Cả lớp đều rõ trách nhiệm của giảng viên là đặt câu hỏi gợi mở giúp mọi người chiêm nghiệm, trao đổi và trả lời những thắc mắc nếu có; trách nhiệm của người học là dành trọn thời gian cho buổi học, chia sẻ những trải nghiệm và đặt câu hỏi cho giảng viên.

Không khí của tất cả những lớp sau thay đổi đến chóng mặt. Rất thường xuyên mìnhphải nghe những câu “phàn nàn” như “Sao thời gian thảo luận nhóm ít quá. Cô giáo có ăn gian giờ không?”. Năng lượng của mọi người duy trì ở mức cao trong suốt hơn bốn giờ học. Ở hội thảo cuối cùng, một Giám đốc bộ phận đã chia sẻ sự ngạc nhiên về không khí sôi nổi của lớp học trực tuyến và đề nghị làm một chương trình tương tự cho nhóm của bạn ấy. Vài ngày sau mình cũng nhận được email hỏi kinh nghiệm học và lấychứng chỉ Coaching giống như mình từ một số anh chị trong công ty.

Mình đã học được một bài học quý giá từ Phẫn nộ. Khi mình đã cố gắng hết sức và đã làm việc bằng cả trái tim và tâm sức của mình, mình xứng đáng được đối xử tốt. Khi mình bị tổn thương, giải pháp sẽ đến từ việc tìm hiểu “nỗi đau” của người đã gây ra tổn thương cho mình. Khi có ai đó đối xử không tốt với mình, họ chắc chắc có nỗi khổ riêng.

  • Bạn có dễ dàng phân biệt được Phẫn nộ và Giận/ Tức?
  • Bạn thường phản ứng như thế nào/ hoặc làm gì mỗi khi Phẫn nộ ghé thăm?
  • Khi đặt mình vào vị trí của người khác, bạn sẽ làm gì khác đi khi Phẫn nộ ghé thăm bạn lần tới?

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach

#loveYOURemotions

Messages of emotions:
Indignation: “I refuse to be treated in this way. I deserve better”.
Anger: “This is wrong or unjust”
Resentment: “It shouldn’t be like this; this is unfair; I shouldn’t have to do this.”
The Field Guide to Emotions by Dan Newby and Curtis Watkins