Mình vừa được tham dự khoá retreat 7 ngày “Niệm sinh an lạc, nếp sống an lành” cách đây gần ba tuần ở Làng Mai Thái Lan.

Đây là khoá đầu tiên tại Làng dành cho các chuyên viên Việt Nam trong lĩnh vực sức khoẻ thân tâm. Trong khoá này, thầy Chân Pháp Khâm, giáo thọ và viện trưởng Viện Phật học Ứng dụng Châu Á (thuộc Làng Mai Hong Kong), được mời hướng dẫn chánh niệm và chia sẻ những ứng dụng của tâm lý học Phật giáo vào lĩnh vực sức khoẻ thân tâm.

Nội dung của khoá chính là điều đã làm cho mình đăng ký và đặt vé máy bay trong một nốt nhạc – trong sự ngạc nhiên của “cái đứa” đã rủ mình đi. ^^ Cũng như cái lần 3 năm về trước, mình đã đến làng chẳng với bất cứ một kỳ vọng nào.

VỀ LÀNG, mình đã “thấy” có nhiều điều vừa LẠ vừa QUEN.

Hầu hết những quý sư thầy, sư cô mình gặp trong chuyến đi lần trước đã chuyển sang tu học ở những làng khác. Cơ mà những nụ cười của 3 năm trước vẫn còn đó. Nụ cười mà khi nhìn thấy, bao nhiêu mệt mỏi, lo toan, căng thẳng và cả những “lớp phòng vệ” để giữ gìn hình ảnh của mình đều tan biến hết.

Nụ cười ở khắp mọi nơi. Mình đã thấy nụ cười trong gió, trong nắng, trong tiếng mưa rơi ào ào, trong những giọt nước lấp lánh nằm chơi trên mấy lá sen. Đến mấy đứa cỏ dại như mắc cỡ, cỏ mây… cũng nháy mắt cười với mình.

Và thế là mình chẳng thể làm gì khác là …cười lại với chúng. Mình nhận ra, mỗi ngày trong cuộc sống, mình chưa bao giờ cười nhiều như những ngày ở đây.

Nụ cười mình có được ở làng không phải là nụ cười cần nhiều năng lượng để ha ha, hi hi khi ai đó kể chuyện cười như lúc ở nhà. Nó là thứ niềm vui âm ỉ, thứ năng lượng an lạc từ bên trong làm cho cái miệng của mình luôn ở trạng thái “chờ cười”. Để mà khi gặp ai đó đi ngược chiều là sẽ có thể nhoẻn liền một cái. Đó thật sự là một trải nghiệm đáng nhớ!

Và chắc có lẽ nhờ thứ năng lượng an lành đó mà những giọt nước mắt mới dễ dàng tuôn ra; những vết thương bắt đầu được nhận diện và từng bước được chữa lành. Mình đã thật sự bất ngờ khi được nghe những câu chuyện, chia sẻ về những tổn thương thời thơ ấu hay những chấn thương tâm lý trên hành trình cuộc sống của nhiều bạn/ anh chị ở thiền đường lớn và trong những buổi trò chuyện ở gia đình pháp đàm. Bất ngờ là vì với kinh nghiệm coaching của mình, những câu chuyện như vậy chỉ có thể được kể sau khi các điều khoản bảo mật thông tin được ký kết. Lần đầu tiên mình cảm nhận được sức mạnh của tình thương, của năng lượng an lành.

Mình thích thú khi thấy kết quả nghiên cứu tâm lý học, cấu trúc não được trình bày trong những bài giảng. Rồi mình bất ngờ đến “choáng váng” khi đang ngồi giữa thiền đường trang nghiêm rộng lớn và nghe vang vang giọng của Lương Bích Hữu hát bài “Xem như em chẳng may”. =)) Rồi (tụi) mình học được nhiều insights sâu sắc từ bài hát ấy. Mình chợt nhận ra quý sư thầy/ sư cô ở Làng gần gũi quá, không phải là cái hình ảnh sống trên núi, tránh xa cuộc sống đời thường. Thầy cô cũng tự cập nhật khoa học, những diễn biến trong cuộc sống của chúng ta để có thể giúp tháo gỡ, chữa lành những tổn thương trong cuộc sống.

VỀ NHÀ, mình được thấy những điều đã QUÁ QUEN mà mình CHƯA BAO GIỜ THẤY.

Cái thấy lớn nhất làm mình bàng hoàng là mình chưa thật sự DỪNG LẠI. Mình cứ ngỡ bước ra khỏi cuộc sống bận rộn chốn văn phòng, dũng cảm chọn lựa làm ít đi, dành thời gian cho bản thân nhiều hơn là đã dừng lại.

Thế mà mình cảm nhận rất rõ ngay khi trở về nhà, quay lại với nhịp sống cũ, cơ thể bắt đầu căng lên, cục trào ngược mon men quay trở lại, giấc ngủ không còn sâu và đã như cái hồi ở làng – nơi mà từ giường ngủ/ toilet/ nhà tắm… đều đơn sơ mộc mạc và phải sử dụng chung với rất nhiều người.

Mình nhận ra mình vẫn bị chi phối bởi năng lượng xưa cũ, cái thứ năng lượng được tạo thành từ thói quen phải lao băng băng về phía trước, phải đạt được mục tiêu này/ thành tựu kia. Nó luôn bắt mình phải làm một điều gì đấy mỗi phút mỗi giây, không ngừng nghỉ. Nếu là nghỉ ngơi 30 phút sau mỗi bữa ăn (để bao tử thư giãn) thì mình phải cập nhật tin tức trên FB/ LinkedIn, nếu là nghỉ ngơi giữa giờ làm việc thì mình phải xắn tay lên làm đất/ trồng rau, nếu là nghỉ ngơi trước giờ ngủ thì cũng phải đọc sách/ chiêm nghiêm đến khi mắt sụp xuống.

Ba năm trước, mình đã mang một phần nếp sống ở làng về nhà (thói quen thiền tập sáng/ tối, ăn uống, ngủ nghỉ theo giờ ở làng). Lần nay mình mang SỰ DỪNG LẠI.

Bạn đã bao giờ đến Làng Mai? Bạn đã mang gì về nhà?

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach