Bạn có bị mình dụ rồi mua cuốn Letting go của bác sỹ David R. Hawkins chưa? =))
Nếu bạn đang đọc nó, nhớ quan sát và cảm nhận sự thay đổi của bản thân sau khi đọc xong mỗi chương nhé. Với mình, nó là một trải nghiệm bất ngờ.
Bác sỹ Hawkins là người đã nghiên cứu và tìm ra Map of Consciousness (tạm dịch: Bản đồ Ý thức) dựa trên phương pháp kinesiology – là phương pháp nghiên cứu khoa học về cơ bắp và chuyển động của chúng, và cách chúng tác động lên sức khoẻ và hạnh phúc của con người.
Nếu tò mò về kinesiology và làm cách nào mà bác sỹ có thể xác định được Map of Consciousness, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy thông tin này ở 60 trang đầu tiên trong cuốn Power vs. Force – phần này đã làm chiếc não nhỏ bé của mình bị căng =)).
Map of Consciousness trông rất đơn giản. Nó cho mình biết trường năng lượng của mỗi cảm xúc. Tận cùng ở đáy là Shame có mức năng lượng 20, tiếp đến là Guilt (30), Apathy (50), Grief (75), Fear (100), Desire (125), Anger (150), Pride (175), COURAGE (200), Neutrality (250), Willingness (310), Acceptance (350), Reason (400), Love (500), Joy (540), Peace (600).
Một lưu ý nhỏ: đây là thang LOGARITH. Có nghĩa khoảng cách năng lượng giữa Guilt (30) và Peace (600) không phải là 600 – 30 = 570 mà là = (10 mũ 600) – (10 mũ 30).
Mức năng lượng dưới 200 là mức năng lượng TIÊU DIỆT – hoặc là mình tiêu diệt người khác, hoặc là mình đang tiêu diệt chính mình. Chỉ từ mức 200 trở lên mình mới có khả năng truyền cảm hứng/ empower cho những người xung quanh.
Ngoài việc giúp mình nhận diện những dấu hiệu của stress (như đã chia sẻ trong bài tuần trước), Letting go “soi đèn” cho mình thấy quá chừng BLIND SPOTS và PRIDE (TỰ HÀO) là điểm mù đầu tiên.
Lúc mới đọc những mô tả về Pride như cố chấp, kiêu ngạo, khoe khoang, tự cao, ngạo mạn, hợm hĩnh, tự cho mình là trung tâm, cứng nhắc, hay phán xét… mình thấy “không giống mình chút nào”. =))
Đọc một hồi nữa thì: “Ủa mà sao mình lại chịu hậu quả y như người full of Pride vậy ta?”
Mình cũng hay bị tổn thương nếu ai đó không thèm lắng nghe ý kiến của mình. Có hôm bực bội/ tức tối dai dẳng cả ngày khi ý tưởng/ quan điểm của mình bị phản bác/ nghi ngờ. Rồi cũng có khi âm ỉ ghét ai đó khi thấy người kia mang insights của mình đi chia sẻ lại mà còn không thèm trích dẫn nguồn từ đâu. Khi ai đó hỏi điều gì, mình là người luôn có câu trả lời (mặc định là luôn luôn đúng/ không muốn nghe những câu trả lời trái chiều)… Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi mình cũng tự hỏi sao có chuyện nhỏ xíu mà mình cứ nhất định cãi thắng cho bằng được rồi làm cho mọi người mất vui.
Ồ thì ra nếu mình càng Tự hào, càng bám chặt vào những suy nghĩ/ ý tưởng/ quan điểm của mình, càng tin/ cho rằng mình đúng thì mình càng dễ dàng bị người khác “tấn công”. Thật ra là rất lắm khi khi người ta cũng chẳng chủ ý “tấn công” gì. Họ đơn giản là chia sẻ quan điểm riêng/ ngược với suy nghĩ của mình và thế là mình nổi giận. Rồi khi tranh cãi lại thì lại lo sợ sẽ không đủ chứng cứ/ thông số để bảo vệ lập luận của mình.
Vì Pride quá dễ dàng “mời gọi” Anger (150) và Fear (100) ở tầng năng lượng thấp hơn nên cảm xúc này không được lọt vào danh sách những cảm xúc có khả năng truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Thật vậy, bạn có thể cảm nhận rất rõ năng lượng của Pride từ người đối diện – nó không làm cho mình cảm thấy dễ chịu, nó làm mình thấy nhỏ bé và không thoải mái với sự hiện diện của họ.
Nhưng mà điều mình ngạc nhiên nhất có lẽ là mình đã nhầm lẫn Pride và Joy (Vui) trong một thời gian dài. Mình cứ ngỡ … mình chỉ “vui” khi ai đó khen insights hay, “vui” khi được nói “bạn nói đúng quá”, “vui” khi thắng một cuộc tranh luận rồi “mở mắt” cho một ai đó…
Đọc xong chương của Pride, mình nhẹ nhõm chào tạm biệt cảm xúc này. Vì vẫn phải chung sống với ego nên đôi khi mình thấy bạn ấy vẫn quay trở lại; nhưng bây giờ mình đã học được cách nhận diện nhanh chóng và buông bỏ ngay.
Pride có hay lui tới thăm bạn mỗi ngày?
Cảm xúc này đang mang đến những lợi ích và tác hại nào trong công việc và cuộc sống của bạn?