It is not failure itself that holds you back; it is the FEAR OF FAILURE that paralyzes you. 

– Brian Tracy –

Tôi ngưỡng mộ Brian Tracy. Tôi đặc biệt thích cách dùng từ ‘paralyze’ – tạm dịch “tê liệt”, trong câu trích dẫn chứa đầy sự thông thái của ông. Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn đồng ý với insights này. 

Sợ thất bại không phải lúc nào cũng xấu. Sợ thất bại có thể là động lực giúp ta thức hôm thức khuya làm bài. Có buồn ngủ, mệt mỏi mấy cũng ráng tập dợt học bài trước khi thuyết trình cho sếp/ cho khách hàng. Sợ thất bại giúp ta luôn tiên liệu, lên kế hoạch ứng phó với những tình huống bất ngờ, giúp dự án đầu xuôi đuôi lọt. Thành công đến, được sếp tin tưởng, được khách hàng yêu mến chắc chắn có công lao của Sợ thất bại. 

Sợ thất bại chỉ xấu khi nó làm cho ta tê liệt. Ví dụ như…

…Dù đã chuẩn bị kỹ càng, học bài thuộc đến từng câu từng chữ, suy nghĩ hết tất cả các tình huống có thể bị khách hàng “chất vấn”, vậy mà vẫn tim đập chân run trước buổi thuyết trình. 

…Luôn cố gắng tiên liệu mọi thứ. Chẳng những lên kế hoạch A, B, C mà lên luôn X, Y, Z cho vài năm sau hoặc vài thập niên tới rồi sống trong hồi hộp về những thay đổi bất ngờ. 

…Kiểm soát thái quá và hay cáu gắt khi mọi người không làm theo ý hoặc theo kế hoạch của mình.

…Không ngừng căng thẳng, lo âu là tại sao thế giới lại lắm đổi thay, làm sao ta có thể kiểm soát tất cả mọi thứ.

…Sống quá an toàn đến nhàm chán, không dám thử những điều mình hằng khao khát vì ngại rủi ro.

…và thậm chí là cảm thấy cuộc sống bất thường, có cái gì đó không ổn khi một ngày đẹp trời bạn thức dậy thấy cuộc sống không có gì để lo.

(Tưởng chuyện đùa nhưng đây là trăn trở tôi đã nhiều lần được nghe chia sẻ đấy!)  

Cách đây gần 10 năm, tôi được sếp giao trọng trách làm bài phân tích và thuyết trình về văn hóa cốt lõi của Việt Nam – nằm trong dự án nghiên cứu tìm hiểu văn hóa các nước của tập đoàn. Cái viễn cảnh phải đứng trước dàn khách mời hầu hết là anh chị cấp Director trở lên, có cả Tổng Giám Đốc công ty cùng nhiều sếp bay từ văn phòng đại diện của khu vực Đông Nam Á, và cả tổng hành dinh sang, làm tôi thấy hồi hộp trước đó cả hai tháng. Trong hai tháng ấy, sáng nào tôi cũng đứng trước gương một tiếng “nấu cháo” bài thuyết trình của mình, bất kể ngày thường, cuối tuần hay là ba ngày Tết. 

Nỗi Sợ thất bại đã mang đến thành công vang dội cho ngày hôm ấy. Các sếp của tôi nở mày nở mặt. Tên tôi được nhiều người biết đến. Các anh chị đối tác trong công ty liên tục chúc mừng. Tôi chỉ mĩm cười rồi cảm ơn. Mọi người nghĩ tôi khiêm nhường. Thật ra bên trong tôi không hề có chút Tự hào, Mãn nguyện hay Vui sướng. Thay vào đó Mặc cảm “Mình đâu có giỏi gì đâu, chẳng qua là cần cù bù thông minh”, Tự ti “Chuẩn bị nhiều vậy mới được khen, rõ ràng mình không giỏi thuyết trình mà” và Lo “Giờ được vậy rồi, mai mốt các sếp mong đợi cao hơn nữa thì sao làm nổi”. 

Những suy nghĩ đó là niềm tin đã đi theo tôi một quãng đường dài, cướp mất niềm vui trong những phút giây chiến thắng, và làm xói mòn sự tự tin vào chính mình. 

Vượt qua nỗi Sợ thất bại chẳng phải là cứ bảo mình đừng sợ thì sẽ hết sợ (não của ta không dễ bị dụ như vậy), hoặc bắt mình phải chuẩn bị càng nhiều càng tốt (càng chuẩn bị lại càng tự thuyết phục mình rằng mình không có khả năng ứng biến), hoặc cố gắng kiểm soát tất cả mọi thứ (mà thế giới thì luôn đầy rẫy những bất ngờ chẳng thể tiên liệu hết), hoặc cố gắng chui vào vỏ ốc để sống càng an toàn càng tốt (chắc chắn những đổi thay rồi sẽ chộp lấy ta vào một ngày không xa).

Vậy phải làm sao?  

ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG NỖI SỢ THẤT BẠI bằng cách KHAI QUẬT những NIỀM TIN đã nuôi dưỡng chúng, lên KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG để kiểm chứng mức độ đúng đắn của những niềm tin cũ (nhiều khách hàng của tôi đã phải bất ngờ thảng thốt “Ôi sao trước giờ mình tin bậy bạ vậy ta?”), và lên kế hoạch XÂY DỰNG NHỮNG NIỀM TIN MỚI để giúp ta có nhiều sự tự do và sẵn sàng đương đầu với những thử thách trong thế giới không ngừng biến động, không chắc chắn, luôn phức tạp với rất nhiều điều mơ hồ (VUCA world – Volatility, Uncertainty, Complexity, and Ambiguity).

“Whether you think you can or think you can’t, you are right” 

– Henry Ford –

Một vài câu hỏi dành cho bạn:

  1. Sợ thất bại đang mang đến những lợi ích nào cho bạn?
  2. Tác hại của nó lên công việc và cuộc sống?
  3. Bạn đã sẵn sàng buông bỏ những nỗi Sợ thất bại của mình?

Nếu bạn cần một người bạn đồng hành trên hành trình đối mặt với những nỗi Sợ Thất bại để sống can đảm hơn, sẵn sàng đối đầu với những thử thách mới, bạn có thể email cho tôi qua địa chỉ pham-t-thanh.thao@overflowingbuckets.com. Chúng ta sẽ có 30 phút trao đổi về mục tiêu và những mong đợi của bạn trước khi bắt đầu hành trình thú vị (buổi nói chuyện này hoàn toàn không mất phí).