Vi nghỉ hè, rảnh rỗi đòi chơi trốn tìm. Mình không rảnh nhưng phải chìu Vi.

“Rồi cũng ổn thôi mà, trò này đã chơi đến mấy lần”. Mình tự nhủ.

Ngày qua ngày mình trốn kỹ. Không la cà phố xá, hàng quán, mọi chuyện gói gọn trong nhà. Có dự án thì làm hội thảo, coach cho khách hàng, không thì mình tự nghĩ ra một tá ý tưởng như viết blog, làm podcast… Lịch dày đặc từ sáng đến tối mịt. Cũng là một cách hay để quên đi nhóc Vi đang hò hét “Năm mười mười lăm hai mươi” ngoài kia.

Mình vẫn ăn uống bình thường, vẫn tươi cười gặp khách hàng, đối tác, vẫn nhí nhố tám nhảm với mấy đám bạn xuyên lục địa mỗi ngày. “Mình ổn” hoặc “Mình rất ổn” là câu trả lời mặc định mỗi khi có ai hỏi “Khỏe không? Tình hình sao rồi?”

Miệng nói ổn nhưng hình như cơ thể mình nó không ổn. Dấu hiệu đầu tiên là bụng rất căng mỗi khi ngồi thiền. Nó căng giống như cái bong bóng được bơm đầy khí, làm mỗi hơi hít vào thở ra rất khó chịu. Sau đó là cái dạ dày đình công không chịu tiêu hoá thức ăn. Vài tuần sau nó chơi trò làm giấm chua lè làm ruột mình xót xa, có những đêm chỉ ngủ được ba, bốn tiếng. Người mình phờ phạt, không thể làm việc được nữa và đó là lúc mình thật sự bị quật ngã.

Nằm trên giường với cái cơ thể mệt rã rời, dạ dày đau quặn từng cơn. Tâm trí mình chẳng thể nào chạy trốn vào mớ công việc được nữa và thế là những nỗi lo, sợ bị làm lơ, bị bỏ mặc bấy lâu nay được dịp ào đến.

Lo bắt đầu: “Bạn bè đóng gói đồ đạc, chuẩn bị vali sẵn sàng nếu bị cách ly tập trung hết rồi kia. Giờ bạn còn chưa lên danh sách, chưa mua đồ đạc gì hết trơn rồi sao trở tay kịp?”

Sợ gào lên: “Chú tổ trưởng mới kêu bạn đi lấy mẫu kìa. Nghe nói ra đó đông đúc lắm, bạn coi chừng bị lây bệnh đó nha. À quận mình mới áp dụng Chỉ thị 16 mà rau củ đã hết sạch rồi. Má bạn mà không ăn rau là đường huyết tăng vọt cho coi.”

Lo lại chen ngang: “Khách hàng nói họ muốn làm hội thảo trực tuyến cả ngày, chỉ nghỉ trưa 60 phút thôi đó. Bạn không có đủ thời gian ăn trưa và hồi phục năng lượng đâu. Bạn tính sao?”

Nghe Lo và Sợ thay phiên nhau kể lể, tự nhiên mình có cảm tưởng mình là một con lừa. Mỗi sáng thức dậy phải mang vác trên lưng những trọng trách quá lớn. Khối công việc không giảm mà chỉ có tăng dần theo năm tháng. Vậy mà giờ đây mình lại phải gồng lưng chở thêm những cục đá tảng từ những nỗi lo sợ, những xáo trộn mà Vi lén lút đặt lên lưng mình. Chưa bao giờ mình cảm thấy quá nhiều áp lực đang đè nặng trên vai, chưa bao giờ mình cảm thấy mệt mỏi, lẻ loi và bất lực đến như vậy.

Mình lặng lẽ tháo bỏ cái hình ảnh ‘Mình luôn mạnh mẽ’ mà mình gắng gượng mang mỗi ngày. Mình chấp nhận mình bị stress! Mình chấp nhận mình cần sự giúp đỡ!

Với một chút e dè, mình nhắn tin cho nhóm Mindfulness Lovers hỏi ‘Mọi người ổn không?’ Vô cùng ngạc nhiên, vài tin nhắn trả lời ‘Em không ổn lắm’ và ‘Sao trùng hợp quá, em đang không ổn và chị hỏi’. Rồi tụi mình chia sẻ với nhau những khó khăn. Mình cảm thấy nhẹ nhõm, có cảm giác mình không lẻ loi với tất cả những khó khăn đang phải đối mặt.

Rồi mình quyết định ‘than thở’ một tí với nhóm bạn chơi hơn mười năm, cho tụi nói biết mình vừa mới đi mượn rau nhà hàng xóm vì nhà đã hết lương thực rồi. Không ngờ tụi nó không phiền mà còn hỏi mình có cách nào để tụi nó chuyển rau sang cho không.

Anh Giám đốc nhãn hàng sau khi nghe mình nói cần hai giờ nghỉ trưa đã nhanh chóng gật đầu. Ảnh còn bảo ‘Đúng rồi, bạn phải lắng nghe, quan sát, trả lời cho từng người trong hội thảo mà. Như vậy là mệt lắm.’

Vi vẫn chưa mệt, nó còn hào hứng chơi năm mười ngoài kia. Bao khó khăn vẫn còn đó nhưng mình thấy lòng ấm lại khi cảm nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và yêu thương của bạn bè và cả những người xa lạ.

Năng lượng của mình dần được sạc đầy và mình lại khao khát được làm việc nhưng lần này mình đã ‘thông thái’ hơn. Mình tự hứa với chính mình là sẽ luôn lắng nghe từng thay đổi nhỏ, thương yêu mình hơn, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thiền tập khi cảm nhận những dấu hiệu căng thẳng đầu tiên.

Bài học lớn mình nhận ra trong tình hình này là mình không cần phải gồng lên để trở thành mặt trời hay mặt trăng để sưởi ấm hay chiếu sáng cho cả hành tinh này. Mình chỉ cần làm một đốm lửa nhỏ để sưởi ấm cho chính mình. Khi mình thật sự khỏe, ngọn lửa của mình sẽ đủ lớn và nó sẽ lan tỏa đến những nơi còn lạnh lẽo. Và khi nó tắt thì mình sẽ có đủ can đảm để tìm xin một chút lửa từ những người xung quanh.

Đó là bài học của mình khi đối diện với Stress, còn cách của bạn thì sao?

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach