Rất cám ơn mọi người đã yêu quý Overflowing Buckets. Từ hôm giới thiệu đến nay, mình nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng và cũng có nhiều thắc mắc không biết StrengthsFinder là gì, có những lợi ích nào và làm sao mà StrengthsFinder có thể giúp ‘đổ nước vào xô’ của mình và mọi người xung quanh. Bài viết này là để trả lời những câu hỏi ấy.

 ——

‘Wow, kết quả đúng quá nhưng rồi cũng lại là một bài kiểm tra tính cách nữa thôi. Sống ở trên đời bao lâu nay, chẳng lẽ nào tôi lại không hiểu về mình, đặc biệt là người rất thích dành thời gian mỗi ngày để suy nghĩ về bản thân như tôi.

Đó chính là phản ứng của tôi khi lần đầu đọc kết quả StrengthsFinder, nên sau này tôi thường mĩm cười đồng cảm khi nhiều bạn nói với tôi rằng StrengthsFinder không có gì đặc biệt hoặc kết quả chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Vì cũng như tôi lúc ban đầu, các bạn không hiểu kết quả tổng quan ấy chỉ cho bạn biết 10% sự thật về bản thân; Gallup giữ lại 70% cho coach của họ và 20% còn lại là phần thú vị nhất mà tôi sẽ chia sẻ với bạn ở những bài viết tiếp theo.

Đối với tôi, StrengthsFinder giống như một tảng băng trôi mà phần nổi của nó chính là cái tên được dịch sát nghĩa: Công cụ khám phá điểm mạnh và tài năng. Phần nổi sẽ cho bạn biết sức mạnh tiềm ẩn chưa được khai phá, và làm thế nào vận dụng tài năng một cách hiệu quả nhất để đi đến thành công. Vậy còn phần chìm là gì?

Một bài học quý giá mà tôi có được từ khóa đào tạo để trở thành Certified Coach của Gallup là tài năng của mỗi người quyết định cách nhìn cuộc sống của họ. Mỗi cá nhân nhìn đời qua lăng kính rất riêng và lăng kính ấy được đúc khuôn và tráng màu từ những tài năng vượt trội (dominant talent themes) của mỗi người. Tài năng có thể làm cho chúng ta yêu hoặc ghét một việc gì đó; chúng cũng có thể làm cho bạn có một số nhu cầu đặc biệt về công việc và cuộc sống. Tôi đã im lặng không thốt lên được một lời nào khi biết được rằng tại sao cứ khoàng 2-3 năm tôi lại khao khát thay đổi công việc, tại sao tôi có khả năng nhìn thấy những tố chất đặc biệt của người khác, rồi tại sao tôi lại quá yêu thích và phát triển nghề nghiệp nhanh chóng trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường trước đây.

Thế nhưng hiểu và giải thích được cảm xúc và cách hành xử của bản thân cũng chỉ là một phần chìm nhỏ của tảng băng ấy. Phần lớn hơn là nó giúp tôi có cái nhìn công bằng, khách quan và nhiều cảm thông hơn với những người xung quanh; tránh những hiểu nhầm không đáng có dẫn đến việc tự làm ‘mất nước’ của mình, cải thiện mối quan hệ với nhân viên và học được cách ‘đổ nước’ vào xô của họ mỗi ngày.

Bạn có bao giờ rơi vào tình huống nhân viên kiên quyết không làm theo hướng dẫn mặc dù bạn đã tạo được cảm hứng, hướng dẫn kỹ càng, rồi nhắc nhở nhiều lần? Lúc ấy bạn suy nghĩ thế nào và bạn sẽ làm gì? Suy nghĩ 2 phút rồi hãy đọc tiếp nhé.

Hôm ấy bộ phận marketing nhờ bạn nhân viên mới của tôi làm một bài phân tích chiến lược cho một nhãn hàng. Bạn ấy hỏi tôi phải làm thế nào. Tôi cho bạn biết tầm quan trọng của dự án và bạn rất phấn chấn vì được giao trọng trách. Tôi hướng dẫn cách làm rồi gửi cho bạn một bài tham khảo, dặn dò bạn nên tìm sự hỗ trợ từ các công ty nghiên cứu thị trường và cần gửi email ngay lập tức vì bài khó sẽ mất nhiều thời gian. Vài ngày sau bạn đến hỏi tôi cách tính toán cho bài này. Tôi hỏi đã gửi email chưa, bạn bảo sẽ gửi. Vài hôm nữa bạn lại đến hỏi và hứa sẽ gửi. Đến một hôm marketing của các nhãn hàng khác gửi rất nhiều email yêu cầu tôi đích thân trả lời vì bạn ấy không phản hồi. Tôi hỏi thì bạn bảo bận làm bài phân tích nên không còn thời gian làm việc khác. Lúc ấy tôi nhận thức rõ mình đang rất giận nên dừng lại và nói bạn một chút nữa gặp tôi nói chuyện riêng. Tôi lấy bảng kết quả StrengthsFinder của bạn ra xem. Tôi thấy bạn có Learner (người có tinh thần học hỏi cao) và một số tài năng thuộc nhóm Executing theme (nhóm tài năng thực thi hiệu quả) và tôi hiểu tại sao.


Tôi bắt đầu buổi nói chuyện bằng cách cho bạn biết nhiều dự án bị đình trệ vì bạn không đang làm đúng vai trò của mình nhưng tôi hiểu tại sao. Tôi hỏi có phải bạn muốn học cách làm bài phân tích chiến lược bằng cách tự mày mò một mình không (Learning through doing). Bạn tròn xoe mắt hỏi tôi sao lại hiểu bạn đến vậy. Tôi cười bí hiểm, thật ra là rất sướng trong bụng, rồi giải thích cho bạn về StrengthsFinder và về việc bạn có thể học trong công việc mà không nhất thiết phải ôm việc một mình. Sau khi kết thúc buổi nói chuyện, tôi thấy minh rất bình tĩnh, vui vui. Bạn kia thì rất cảm kích vì tôi đã không trách mà còn hiểu bạn. Ngay lập tức bạn từ bỏ cái công việc không phải của mình một cách vui vẻ.

 Nếu tôi của phiên bản cũ thì đảm bảo tôi đã bắn ra một trăm câu hỏi tại sao; và nếu cả hai không biết ngôn ngữ StrengthsFinder thì bạn ấy đơn giản chỉ bảo ‘Thích tự làm’ còn tôi chắc chắn sẽ không thể chấp nhận được câu trả lời ấy. Bởi vì sao lại tự ý làm tùy tiện để gây cản trở công việc như vậy. Và kết quả buổi nói chuyện như thế thì chắc chắn là một người sẽ bị ‘múc sạch nước’, còn người kia sẽ thấy mình thật ‘nhỏ nhoi’; sao có chuyện đơn giản vậy mà không thuyết phục được nhân viên, rồi tiếp tục thêm một đống câu hỏi hoài nghi về khả năng quản lý của mình.

Đó là một trong những tình huống mà StrengthsFinder đã giúp tôi tránh ‘múc nước’ từ người khác. Lần tới tôi sẽ kể cho bạn nghe tôi đã dùng StrengthsFinder thế nào để đổ nước vào xô của các bạn trong team tôi. Đón đọc nhé.

Tác giả:

Phạm Thị Thanh Thảo

Nếu bạn thích bài này:
1. Hãy chia sẻ với bạn bè. Biết đâu có ai đó cần ‘làm đầy nước vào xô’ của họ.
2. Liên hệ với tôi qua website https://overflowingbuckets.com hoặc LinkedIn https://www.linkedin.com/feed/ để biết thêm thông tin.