Đây là bài viết theo ‘đơn đặt hàng’ của một người bạn. Một lần tình cờ được tôi chia sẻ về khái niệm tha thứ, bạn bảo nên viết một bài để nhiều người cùng đọc. Đây là những gì tôi được học, tự chiêm nghiệm, trải nghiệm, đúc kết và chia sẻ. Kiến thức bao la, luôn đổi mới. Có những thứ mình học ngày hôm nay thấy đúng, ngày mai có thể không còn giá trị nữa. Những gì tôi chia sẻ dưới đây chỉ là do bạn tôi và tôi thấy hay, không mang tính đúng sai.
Trong cuộc đời của mỗi người, chắc không ít lần bạn được khuyên: Hãy tha thứ đi. Tôi đã không ít lần rơi vào trạng thái đó và phải tốn rất, rất nhiều thời gian để có thể nguôi ngoai. Chẳng phải tôi không hiểu được tha thứ là giúp chính mình được nhẹ nhàng, để không phải suy nghĩ về (những) người làm cho mình cảm thấy bị phản bội, tổn thương, và đau khổ. Thế nhưng tôi không làm được vì tôi chẳng thể nào quên đi mọi thứ trong chớp mắt. Làm sao có thể dễ dàng quên được những chuyện mà (những) người ta hết lòng tin tưởng, thương yêu đã làm tổn hại đến ta? Nếu có thể quên đi thì điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải chấp nhận/ đồng ý với những gì họ đã gây ra cho tôi. Vì trong những trường hợp như thế, (những) người đó thường không bao giờ nhận lỗi hoặc xin lỗi. Và rồi tôi ôm cục tức, tức mãi.
Một ngày nọ tôi ‘nhặt’ được câu ‘thần chú’ đã giúp tôi tha thứ rất nhanh. Câu đấy được viết thế này:
‘Những gì bạn làm đã gây tổn hại đến tôi. Tôi không chấp nhận hành vi của bạn. Tôi sẽ không cho phép bạn lặp lại điều đó một lần nào nữa. Tôi tha thứ cho bạn vì tôi không muốn tiếp tục sống với những suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra. Tôi sẽ sống trong yên bình, không chút oán giận.’
Tha thứ không có nghĩa là quên đi. Não chúng ta có phải là tờ giấy đâu mà có thể đem ra bôi bôi xóa xóa lúc nào cũng được. Mà tha thứ là chọn lựa một cách có ý thức của chúng ta trong việc không oán trách, không suy nghĩ về chuyện người khác đã làm tổn thương mình nữa, không ‘trả đủa’, không mang chuyện cũ kể cho người khác vì càng kể chỉ càng làm cho những cảm xúc khó chịu ấy phình to lên mà thôi.
Tha thứ không có nghĩa là chúng ta đồng ý với cách hành xử của họ. Việc bạn có tiếp tục duy trì mối quan hệ với (những) người đó hay không tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là ta không được cho phép họ lặp lại những hành động đó với mình. Khi nghĩ ra được cách ‘ngăn chặn’ những mối nguy ấy, bạn sẽ nhẹ nhõm rất nhiều.
Mỗi khi những cảm xúc khó chịu đến, bạn cần lặp lại câu ‘thần chú’ ở trên. 🙂 Nhưng một điều quan trọng cần lưu ý là khi bạn đã trở thành ‘chuyên gia’ của nghệ thuật tha thứ, đừng nên quá vội vã đọc ‘thần chú’ ngay khi những cảm giác khó chịu đầu tiên vừa mới nhen nhóm. Kiềm nén cảm xúc không phải là cách giải quyết vấn đề. Thực sự tha thứ không xảy ra nếu bạn không thực sự cảm nhận rõ ràng những cảm xúc trong cơ thể mình. Giận dữ và tha thứ không phải là kẻ thù của nhau. Chúng là hai khía cạnh thiết yếu của việc chữa lành vết thương. Cảm nhận mọi cảm xúc rồi hãy tha thứ bạn nhé.
Tại sao chúng ta nên tha thứ?
Một điều mà ai cũng hiểu về tha thứ là để cho bản thân mình nhẹ lòng đi. Nhưng có một lợi ích khác mà chẳng phải ai cũng hiểu được: Tha thứ là để lấy lại lòng tin/ niềm tin về cuộc sống. Điều này có tầm ảnh hưởng rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người, thậm chí ảnh hưởng đến con đường phía trước của chúng ta.
Nếu bạn vì bị một người bạn thân làm tổn thương mà không tha thứ được, nhiều khả năng bạn sẽ nghĩ rằng ‘Người bạn mình hết lòng tin tưởng mà còn đối xử với mình như vậy, thì những người khác sẽ ra sao?’ Suy nghĩ này làm cho bạn ‘xem xét’ lại tất cả mối quan hệ với những người bạn khác, cực đoan hơn bạn có thể nghi ngờ họ và dần dần không còn tin tưởng ai. Không nói ra chúng ta cũng có thể đoán con đường phía trước sẽ khó khăn biết chừng nào nếu không còn một ai đáng tin đi bên cạnh bạn.
Tha thứ không chỉ mang lại cảm giác bình yên cho chính mình mà còn mang lại niềm tin về con người và cuộc sống. Khi biến cố xảy ra, hãy trân trọng và cảm nhận mọi cảm xúc của bản thân và ‘đọc thần chú’ tha thứ bạn nhé. 😉
Bạn có thể tham khảo thêm những tài liệu dưới đây:
- Language and the pursuit of Happiness by Charmers Brothers.
- The Language of Emotions by Karla McLaren.
Bạn có thể vào website https://overflowingbuckets.com để đọc thêm các bài khác nhé.