Đó là một buổi tối mùa hè mát mẻ, chúng tôi – những anh chị đi trước -được ngồi với khoảng 30 em sinh viên năm 3, giúp các em làm quen với khái niệm Reflection (dịch nôm na là suy ngẫm về những trải nghiệm trong cuộc sống). ‘Hãy kể tên một người có ảnh hưởng tích cực đến bạn trong khoảng thời gian gần đây’. Đó là câu hỏi đầu tiên dành cho tôi. Tên thầy Thích Nhất Hạnh hiện lên trong tâm trí tôi trong 3 giây, rất nhanh, đi cùng cảm giác ấm áp và bình yên. Tôi may mắn được biết đến thầy, sách của thầy, và được học những bài học quý giá về sự Thấu hiểu (Compassion) để sống một cuộc sống tích cực hơn tôi của phiên bản ngày hôm qua. Thế nhưng tại sao sự Thấu hiểu lại có thể mang đến năng lượng tích cực/ lạc quan hơn?
Bạn thấy thời tiết hôm nay thế nào? Nóng? Hanh khô? Mát mẻ hay oi nồng? Cho dù là bạn dùng tính từ nào để mô tả đi chăng nữa thì tôi khá chắc chắn ít bạn nào trả lời rằng ‘Hôm nay nhiệt độ ngoài trời là 29oC’. Chắc các bạn cũng nhận ra chỉ có câu trả lời 29oC mới mang tính khách quan với thông số cụ thể – có thể đúng, có thể sai nhưng có thể kiểm chứng được. Những câu trả lời khác một khi đã có dùng tính từ mô tả đều mang tính chủ quan của người trả lời. Bạn A có thể thấy rằng 29oC là mát nhưng bạn B có thể cảm nhận là nóng. Câu hỏi nho nhỏ này là một ví dụ cho thấy chúng ta rất thường xuyên có những nhận xét, đánh giá chủ quan về những vấn đề, sự việc xảy ra hàng ngày. Không chỉ có sự việc, chúng ta thường xuyên, liên tục đánh giá về những người xung quanh mình, từ đồng nghiệp, sếp, bạn bè, chồng/ vợ, người lạ và bất cứ ai ta gặp hàng ngày. Chúng ta giống như những chiếc máy đánh giá, liên tục sản xuất ra những lời nhận xét mọi lúc mọi nơi.
Dừng lại một chút để suy ngẫm. Khi có một sự việc gì đó xảy ra, chúng ta thường tự đánh giá bản thân dựa trên chủ đích/ ý định (intention) của mình, nhưng lại đánh giá người khác dựa vào hành vi của họ. Chúng ta khó tính, đôi khi to tiếng với nhân viên vì chúng ta muốn họ phát triển tốt hơn. Nhưng nếu chúng ta thấy một ai đó mất bình tĩnh với nhân viên của họ, rất nhiều khả năng người đó bị nhận xét là đang vùi dập/ bắt nạt nhân viên. Rồi một khi chúng ta đã dán cho họ cái nhãn ‘bắt nạt nhân viên’ rồi thì cho dù họ có làm những việc tốt đẹp với nhân viên đi chăng nữa thì mắt chúng ta dù thấy nhưng não cũng tự động sàng lọc những hành động ấy, cương quyết chỉ thu nhặt chứng cứ ‘bạo hành nhân viên’ để chứng minh đánh giá của chúng ta là đúng, là chính xác.
Có một lần tôi đã mất bình tĩnh với bộ phận ‘xử lý số liệu’ ngồi ở Ấn Độ. Một vài dự án của tôi đang ở giai đoạn dầu sôi lửa bỏng vậy mà họ thì cứ một ngày mới trả lời email của tôi một lần. Đến một tuần mà tôi chẳng thấy nó nhích được tẹo nào, marketing thì dí tôi mỗi ngày. Thế là tôi bắt đầu từ nhẹ nhàng hỏi thăm đến nhắc nhở rồi phàn nàn cũng không được. Cuối cùng tôi viết thư phản ảnh về hiệu quả làm việc với sếp của bộ phận này. Bạn này ngay lập tức làm cuộc chiến leo thang lên sếp bạn, và bạn sếp của bạn tiếp tục gửi email lên sếp của sếp bạn. Chuỗi email ấy được chuyển đến sếp của sếp tôi, rồi quay lại sếp tôi và câu hỏi của bạn sếp dành cho tôi trong buổi họp nhóm là: ‘Bạn có biết những người làm ở bộ phận đó đều có bằng thạc sỹ không? Không thể đối xử với họ như vậy được’. Chưa tính đến chuyện ai đúng ai sai nhưng điều tôi mong đợi ít nhất là được sếp mình hỏi và lắng nghe xem chuyện gì đã xảy ra chứ không phải câu hỏi mang tính kết luận như vậy. Tại thời khắc đó tôi thấy mình giống như một siêu núi lửa sắp phun trào; và cũng từ hôm đó tôi biết mình đã bị sếp dán cho một cái nhãn nào đó không mấy tốt đẹp từ rất lâu.
Tôi đã sống trong những suy nghĩ tiêu cực trong một thời gian cho đến khi tôi học được bài học về sự Thấu hiểu. Tôi nhận ra nếu tôi đặt mình vào vị trí của sếp tôi, chắc chắn tôi cũng suy nghĩ y hệt như vậy thôi. Vì nếu như tôi đã từng thấy lính tôi mất bình tĩnh với nhân viên nhiều lần (các bạn xem bài ‘Bạn có chín nẫu không’) và lần này chắc chắn rằng bạn này cũng giống như những lần trước, cũng là đang ‘lạm dụng quyền hành để bắt nạt người khác’. Và tôi cũng sẽ cho rằng đây là người có tính xấu vì lợi ích cá nhân chứ không hề biết rằng đây là biểu hiện của Discipline bị chín nẫu và bạn này cũng vì mục tiêu chung của công ty.
Thế đấy, rất dễ dàng để chúng ta dán nhãn người khác khi không thật sự hiểu chủ đích của họ. Nếu ta thấy một nhân viên cứ im lặng trong suốt cuộc họp thảo luận tìm ý tưởng mới, rất dễ dàng ta nghĩ rằng bạn này bất hợp tác, hoặc lười suy nghĩ nhưng cũng rất nhiều khả năng bạn có tài năng Intellection, người có những suy nghĩ sâu sắc nhưng cần thời gian để chiêm nghiệm trước khi chia sẻ. Hoặc nếu ta thấy đồng nghiệp nào đó huyên thuyên trong cuộc họp thì có thể nghĩ rằng bạn đang chơi nổi, gây ấn tượng với sếp, nhưng cũng có thể bạn có Communication, là người không thể ngồi im lặng suy nghĩ mà phải nói ra bằng lời; và bạn cảm thấy căng thẳng nếu mọi người không nói một lời nào, nên chỉ muốn nói để khuấy động không khí.
Những việc dán nhãn này chẳng mang lại lợi ích gì cả ngoài việc làm cho các mối quan hệ sẵn có căng thẳng hơn, hiểu lầm chồng chất hiểu lầm và có thể dẫn đến việc bất hợp tác trong công việc. Còn về bản thân chúng ta, khi có những nhận xét không tích cực về ai đó thì cũng chẳng thấy hạnh phúc hơn, thật ra đó là cảm giác khó chịu, rất khó chịu mỗi khi nghĩ đến hoặc nhìn thấy người đó. Do đó, hiểu nhau hơn dựa trên những nghiên cứu tâm lý học để nhìn nhận vấn đề qua góc nhìn của người khác, để hiểu chủ đích tốt đẹp của họ sẽ thấy cuộc sống tích cực hơn và lạc quan hơn.
Written by: Pham Thi Thanh Thao
Các bạn có thể tham khảo thêm:
- ‘Silence’, ‘Peace in every step’, ‘The miracle of mindfulness’, ‘Anger’, ‘The art of living’ của thầy Thích Nhất Hạnh
- ‘Language and the pursuit of happiness’ của Chalmers Brothers để hiểu thêm về ảnh hưởng của những đánh giá/ nhận xét lên hạnh phúc cá nhân.