Khi bạn nhắm mắt lại và bắt đầu hình dung về một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng, có sức thuyết phục, bạn sẽ nghĩ về một người nói năng lưu loát, dùng từ ngữ khéo léo hay một người điềm tĩnh, có khả năng lắng nghe sâu sắc?

Mình của nhiều năm về trước luôn ngưỡng mộ hình ảnh đầu tiên và đã luôn cố gắng trở thành hình ảnh đó.

Sau nhiều năm bớt nói lại :), được học, quan sát và trải nghiệm nhiều hơn, mình nhận ra để có thể nói hay, để mỗi lời nói ra có sức nặng, có tầm ảnh hưởng, thì bước đầu tiên là phải luyện LẮNG NGHE.

Hôm qua tình cờ nghe được bài Tedtalk “The power of listening của William Ury. Ông đã tóm tắt cô đọng/ súc tích tất cả những gì mình quan sát được nhưng không thể diễn đạt thành lời. Thích quá nên hôm nay mình chia sẻ với mọi người qua góc nhìn và trải nghiệm của mình.

William Ury là tác giả, học giả, nhà nhân chủng học và chuyên gia đàm phán người Mỹ. Ông là người đồng sáng lập Chương trình Harvard về Đàm phán. Có rất nhiều insights thú vị trong bài Tedtalk của ông và mình muốn chia sẻ 3 insights mình tâm đắc nhất:

  1. Chúng ta thường nghĩ rằng nói thật hay là có thể ảnh hưởng/ làm cho người khác thay đổi quyết định theo ý của mình. Nhưng thật ra LẮNG NGHE thật giỏi mới có thể thay đổi suy nghĩ của người khác.

Hồi còn làm ở Unilever Singapore, mình rất ngưỡng mộ một anh Global Brand Director về khả năng communication của anh ấy. Vài năm sau, ảnh được điều sang một thị trường mới. Trong buổi tiệc chia tay, điều làm mình bất ngờ nhất là tất cả đồng nghiệp được mời phát biểu đều bày tỏ sự biết ơn sâu sắc về khả năng lắng nghe của ảnh. Đó cũng là lần mình “ngộ ra” tại sao một người luôn tỏ ra mạnh mẽ và chuyên nghiệp trong công việc như mình lại có thể khóc trong lần gặp đầu tiên khi chia sẻ những thử thách trong công việc với anh ấy. Và khỏi phải nói là sau cuộc họp đó, mình đã luôn hỗ trợ những nhãn hàng của ảnh bằng tất cả nguồn lực của team mình. Nói một cách khác, mình đã bị thuyết phục (mà không hề nhận ra) trong lần trò chuyện đầu tiên.

Gallup – công ty phát minh ra công cụ StrengthsFinder – cũng có nhiều nghiên cứu tâm lý học về những người có talent Communication. Họ cũng chia sẻ rằng nếu chỉ nói và nói thì người sở hữu talent này chỉ đang sử dụng nó ở dạng Raw (chưa trưởng thành). Những người đã rèn giũa Communication thành Strengths phải có khả năng lắng nghe sâu sắc. Nhờ lắng nghe họ mới hiểu được người đối diện muốn nghe gì, từ đó điều chỉnh cách tiếp cận và tăng sức nặng trong lời nói của mình.

2. Lắng nghe NHỮNG ĐIỀU KHÔNG ĐƯỢC NÓI quyết định sự thành bại trong đàm phán.

William đã chia sẻ “we listen not just for what’s being said but for what’s NOT being said“.

Mình “thấm” được insights này là nhờ những lần thất bại trong các hợp đồng coaching với khách hàng. Chỉ nghe những lời khách hàng nói thì chỉ nắm được chừng 30% insights của vấn đề. Phải “nghe” được cảm xúc, cảm được những điều khách hàng mình thật sự cần/ thật sự mong muốn đằng sau những lời nói thì mới có thể chạm đến những insights sâu sắc nhất.

Trong các cuộc đối thoại/ đàm phán/ mâu thuẫn, mình học được rằng lời nói mình nghe được bằng tai thật ra có giá trị thấp hơn rất nhiều so với cảm xúc mình cảm nhận được và từ ngôn ngữ cơ thể mình quan sát được từ người ấy. Đây là những thông tin giúp ta hiểu được người kia thật sự cần gì. Giúp bên kia có được điều họ thật sự cần sẽ có thể xoay chuyển quyết định của họ.

3. Bí mật của việc học lắng nghe người khác là phải HỌC LẮNG NGHE CHÍNH MÌNH TRƯỚC.

Mình không thể nào đồng ý hơn với William về insights này. Theo trải nghiệm của riêng mình, rào cản lớn nhất trong việc mình không thể lắng nghe người khác là vì tâm trí của mình có quá nhiều âm thanh nhiễu.

Mình vẫn luôn nhớ như in cái khoảnh khắc đầu tiên mình thực tập lắng nghe trong phòng họp. Đó là một hôm sau nhiều tuần mình đã thực hành một số bài tập trong cuốn Silence của thầy Thích Nhất Hạnh và đã có thể quan sát ít nhiều suy nghĩ của mình.

Hôm ấy mình quyết định vào phòng họp chỉ làm 3 chuyện: nhìn người đối diện, lắng nghe và hít thở. Cảm cảm giác đầu tiên đó thật… khủng khiếp! Mình có cảm giác mình đã “ra chiến trường” mà không mang “vũ khí”. =))

Ngẫm lại, mình đã xem tất cả những buổi họp là “chiến trường”, nơi mình phải thắng một ai đó, phải chứng minh là mình đúng, phải làm cho ai đó phải nghe theo lời mình. “Vũ khi” chính là tất cả những số liệu/ dữ kiện/ thông điệp mình cần truyền tải để thuyết phục người kia.

Mình nhận ra trong hầu hết những buổi họp của rất nhiều năm về trước, mình luôn cố nhớ/ cố lẩm nhẩm trong đầu là cần phải nói gì, nói lúc nào, lo lắng không biết sẽ phải trả lời một số câu hỏi (có thể bị hỏi) ra sao và thậm chí là cố nghe và nhớ những sơ hở trong thông điệp của người kia.

Với tất cả những suy nghĩ ấy trong não (mà bạn cử tưởng tượng giống như nhiều cái loa phát ra cùng lúc bên tai) thì chắc chắn là mình chẳng thể nghe trọn vẹn thông điệp của người đối diện, đừng nói là cảm nhận được cảm xúc hay quan sát được ngôn ngữ cơ thể để hiểu được thật ra họ đang mong muốn gì.

Nhắc nhỏ: thực tập meditaion/ mindfulness là cách nhanh nhất để có thể lắng nghe chính mình.

Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích cho những bạn vẫn hằng ao ước có khả năng Communication đầy sức thuyết phục, có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của những người xung quanh.

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach

William Ury is an American authoracademicanthropologist, and negotiation expert. He co-founded the Harvard Program on Negotiation. More about William Ury: https://www.pon.harvard.edu/faculty/william-ury/

The power of listening | William Ury | TEDxSanDiego

https://www.tedxsandiego.com/transcripts/2014-talks/william-ury/