Bạn đã bao giờ nghe nói đến trầm cảm? Bạn nghĩ gì về trầm cảm?

Mình biết đến trầm cảm chỉ vài năm gần đây khi có cơ hội gặp/ hoặc làm việc với một vài khách hàng đặc biệt. Tiếp xúc với những bạn này, mình có thể cảm nhận rõ nguồn năng lượng tiêu cực, nặng nề. Có lần mình nghe nói có người hàng xóm hoặc người quen của người quen vừa tự vẫn vì trầm cảm.

Trong tâm trí mình, trầm cảm là bệnh tâm lý. Nó hơi xa vời và mình chưa bao giờ nghĩ trầm cảm sẽ gõ cửa tìm mình. Thế nên phản xạ đầu tiên khi mình được tặng cuốn “Mất kết nối” của tác giả Johann Hari (bản dịch từ cuốn Lost Connection – The New York Times bestseller) là nhắn tin hỏi tụi bạn trong nhóm Mindfulness Lovers liền: “Cả nhà ơi, mọi người cảm nhận những bài viết gần đây của chị như thế nào?” Sau khi nhận được phản hồi là tinh thần của những bài viết vẫn rất tích cực, mình mới thở phào tiếc lộ chuyện sắp được tặng cuốn sách cùng câu hỏi: “Tại sao lại là “Mất kết nối”?”

Cái hành vi “đi hỏi bạn bè” rồi “thở phào” cho thấy bản thân mình có một sự ghét bỏ, cảm thấy xấu hổ về trầm cảm. Cái kiểu là: “Mình là người mạnh mẽ, mình không thể bị trầm cảm. Trầm cảm là bệnh tâm lý của ai đó, sẽ không bao giờ xảy đến với mình… Rồi nếu có ngày đó, mình chắc chắn sẽ không muốn ai biết”.

Rồi sách cũng đến nhà và mình cho nó nằm chỏng chơ chờ đợi đến vài tuần. Một hôm nọ, không còn sách gì thú vị để đọc, mình mới đụng đến nó cùng cái suy nghĩ: “Để coi có gì hay”. Và hậu quả là đám bạn thân hoặc bất cứ ai có vẻ quan tâm đến chủ đề này sẽ phải ngồi “chịu trận” nghe mình chia sẻ. Đã lâu lắm rồi mới có một cuốn sách làm mình … mất thêm tiền để mua tặng bạn bè =)).

Johann Hari không viết từ góc nhìn của một người ngoài cuộc, của một người “mạnh mẽ” đi khám phá thế giới trầm cảm. Anh ấy bị trầm cảm từ nhỏ, phải uống thuốc trong một thời gian dài, chịu tác dụng phụ của thuốc, đã rất tin tưởng vào những viên thuốc cho đến cái ngày anh phát hiện được sự thật đằng sau những nghiên cứu của các công ty dược, và tự mình đi tìm sự thật về căn bệnh này.

Mình sẽ không chia sẻ những bằng chứng khoa học/ những nghiên cứu tâm lý học về thuốc chữa trầm cảm trong bài viết này. Các bạn có thể dễ dàng tìm đọc ở ngay chương đầu tiên của sách. Mình chỉ muốn chia sẻ một vài trong 9 nguyên nhân gây ra trầm cảm mà mình tâm đắc nhất. Tâm đắc là vì chính bản thân mình đã trải qua hoặc đã chứng kiến/ cảm nhận từ cuộc sống xung quanh. Trong bài này, mình chia sẻ nguyên nhân Hari đề cập đầu tiên.

MẤT KẾT NỐI VỚI CÔNG VIỆC

Hari mở đầu chương này bằng câu chuyện về anh Joe bán sơn. Công việc của Joe đơn giản, lặp đi lặp lại mỗi ngày: nhận đơn hàng, pha sơn/ lắc sơn, nói “cảm ơn” khách hàng, chờ đợi rồi lại nhận đơn, lắc sơn, nói “cảm ơn”, chờ đợi…

Công việc nghe có vẻ nhẹ nhàng vậy mà Joe đã bị trầm cảm. Anh ấy không tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình, thấy chán nản mỗi sớm mai thức giấc nhưng rồi lại tự dày vò bản thân rằng có bao nhiêu người ngoài kia đang thèm muốn công việc của mình mà không có được, công việc này đang cho anh thu nhập hợp lý và cuộc sống ổn định. Đã có thời gian Joe phải tìm đến thuốc giảm đau có gốc thuốc phiện để vực dậy tinh thần mỗi ngày. Rồi lại khổ sở cai nghiện. Rồi tiếp tục sống những ngày lờ đờ, vật vờ.

Trải nghiệm của Joe ngay lập tức mang mình về cái hồi gần 8 năm về trước. Hồi đó mình quyết định nghỉ Unilever VN để thử sức làm marketing ở mảng B2B. Chỉ sau hai tuần ở công ty mới mà mình có cảm giác như hai thế kỷ, mọi thứ lờ đờ trôi qua. Rất khác với nơi làm cũ, nơi mà mình luôn mơ ước có được cuối tuần để hoàn toàn nghỉ ngơi, nơi này có quá nhiều thời gian rảnh. Công việc hằng ngày mình có thể hoàn thành chỉ trong 1-2 giờ buổi sáng. Sau đó mình phải ngồi “chịu trận” nhìn màn hình, cố gắng tìm việc gì đó để làm.

Rồi cũng như Joe, mình cũng thấy tội lỗi vì có một công việc được trả lương và các chế độ quá tốt, bao nhiêu bạn bè đang phải vất vả làm việc ở ngoài kia vậy mà mình, có công việc nhàn hạ, lại chẳng có chút động lực nào để đến văn phòng mỗi buổi sáng. Mình vẫn còn nhớ có những buổi chiều tan tầm chạy xe trên đường mình khóc như mưa, thấy cuộc sống bế tắc, cảm giác như mình không còn có sự chọn lựa nào cho con đường nghề nghiệp phía trước.

Cũng may là mình chỉ bị mất kết nối với công việc trong hai tháng. Trải nghiệm này giúp mình lấy hết can đảm để nắm bắt cơ hội phỏng vấn vị trí Regional CMI tại Singapore. Nếu thời gian kéo dài hơn, có lẽ mình đã rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề như Joe.

Hari cũng trích dẫn nghiên cứu của Gallup (công ty làm ra công cụ StrengthsFinder) về mức độ gắn kết với công việc. Chỉ có 13% người được phỏng vấn cho rằng họ “gắn kết” với công việc – họ “nhiệt tình và tận tụy với công việc của mình”; 63% “không gắn kết” với công việc – “cảm thấy uể oải suốt ngày làm việc, dành thời gian – nhưng không dành năng lượng hoặc đam mê – cho công việc của họ”; và 23% “chủ động thoát ly” khỏi công việc” – luôn tìm cách thể hiện sự không hài lòng lên những đồng nghiệp khác, thậm chí gây thiệt hại cho công ty. Đây là nghiên cứu dựa trên hàng triệu nhân công trên 142 quốc gia của Gallup.

Bản thân mình không lạ với những con số này, vẫn hay nói về tầm quan trọng của chuyện “engagement” trong các proposal, nhưng mình chỉ thật sự thấm khi đọc những phân tích, “nghe” những câu chuyện về người thật việc thật của Hari rồi bắt đầu quan sát thế giới xung quanh.

Vài tuần trước mình đi siêu thị. Đến lúc ở quầy thu ngân mới phát hiện có cái cải bắp chưa cân. Vậy là hì hụi đẩy xe tới quầy cân rau. Mình cũng cẩn thận kiểm tra các loại rau khác và cầm trái bí đỏ lên hỏi bé cân rau: “Có cân cái này không em?”. Bé ấy không nhìn sang mình, không trả lời, chỉ lắc đầu. Mình ung dung đến quầy tính tiền rồi mất thêm vài phút để bạn thu ngân gọi thêm một bạn quản lý khác đến mang trái bí của mình đi cân lại. Chỉ 30 giây không kết nối với công việc tại nơi cân rau có thể làm mất thêm vài phút cho khách hàng và hai nhân viên khác. Cũng may hôm ấy là sáng thứ 2 rất vắng nên cũng không có khách hàng nào chờ đợi sau mình.

Mình bần thần nhận ra trầm cảm đến từ việc mất kết nối với công việc có thể xảy đến với bất kỳ ai, tại bất cứ thời điểm nào trên con đường sự nghiệp của mỗi người. Nó có thể đến từ việc ta không biết mình thích làm công việc gì, không tìm được ý nghĩa trong công việc mình đang làm, đến từ việc leadership hay văn hoá công ty bị thay đổi đột ngột, hoặc cũng có thể từ môi trường làm việc mới mà mình đã lỡ chọn nhưng chưa nghiên cứu kỹ…

Bạn đã bao giờ có trải nghiệm với MẤT KẾT NỐI VỚI CÔNG VIỆC?

Bạn đã vượt qua trải nghiệm ấy như thế nào?

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOUREmotions