Trống rỗng (Emptiness) không phải là cảm xúc. Nếu tưởng tượng cảm xúc là những vị khách không mời, cứ đường đột xông vào nhà bạn mỗi ngày thì Trống rỗng là trạng thái mà đột nhiên bạn chẳng thấy ‘ai’ xung quanh mình. Mọi thứ yên ắng đến ngột ngạt và điều duy nhất bạn muốn là thoát khỏi tình trạng này ngay lập tức.
Có tồn tại trạng thái mà chẳng có cảm xúc nào ở bên ta không? Theo những gì mình được học, được đọc, được trải nghiệm và được chứng kiến qua những buổi trò chuyện thì câu trả lời là KHÔNG!
Ở chương trình Ontological Coach Training program của The Work Partnership, mình học được hai khái niệm: Cảm xúc (Emotions) và Tâm trạng (Mood).
Cảm xúc đến cùng với tác nhân (triggers – những sự việc xảy ra xung quanh ta hay thậm chí là suy nghĩ thoáng qua của ta) và ra đi khi tác nhân biến mất. Ví dụ như sáng sớm bạn mở hộp mail, thấy thư của sếp khen bài thuyết trình hôm qua thật xuất sắc; thế là Vui (Joy), Tự hào (Pride) liền đến ngồi kế bên cười tủm tỉm. Nhưng rồi bạn đâu có vui được cả ngày đúng không? Chắc lâu lắm là vài chục phút, rồi mau chóng nhường chỗ cho các bạn cảm xúc khác như Bực mình (đột nhiên nhớ chuyện hôm qua lính làm bài dỡ tệ mà dám nộp cho mình), hay Hào hứng (có đồng nghiệp chạy tới hỏi: Tối nay đi coi phim chung không?).
Khác với Cảm xúc, Tâm trạng thường vô hình, nó là cảm xúc nền và đeo bám chúng ta bất kể hoàn cảnh, không phụ thuộc những tác nhân bên ngoài. Bạn có biết ai đó lúc nào cũng như một ngọn núi lửa chuẩn bị phun trào, gặp mặt chưa nói câu nào đã thấy hầm hầm sẵn? Bạn có thấy ai đó lúc nào cũng cười tươi rói, có dìm hàng nó cũng toe toét cười? Và bạn đã trải nghiệm được gặp một ai đó mà sự bình yên, trong lành luôn toát ra từ họ? Điều quan trọng nhất mà ta cần nhớ là: KHÔNG AI THOÁT KHỎI TÂM TRẠNG. Điều đó đồng nghĩa là chắc chắn có một cảm xúc nền nào đó luôn lẽo đẽo bên bạn, dù bạn có tự nhận ra hay không.
Do đó, Trống rỗng không có nghĩa là bạn không có cảm xúc. Nó có nghĩa bạn đang có một (vài) cảm xúc khó chịu nào đó ‘ở lì trong nhà’. Chẳng những thế chúng còn khoá cửa, giấu chìa khoá, không cho những cảm xúc bạn mong chờ bước vào nhà, rồi tinh quái trốn vào góc tủ, làm cho bạn không thể biết ‘thủ phạm’ là ai để tìm ra chìa khoá.
Mỗi khi nghe khách hàng nói họ cảm thấy trống rỗng, mình lại nhớ đến câu hỏi của Thầy Thích Nhất Hạnh: Empty of what? Tạm dịch: Trống rỗng cái gì? Đối với mình, đây là câu hỏi màu nhiệm, giúp ta nhìn sâu vào bản chất vấn đề và tìm ra nhiều insights thú vị về bản thân hoặc về tình huống đang diễn ra.
Để thoát khỏi tình trạng này, bạn thử:
- Bắt đầu bằng câu hỏi màu nhiệm: Empty of what? Mình đang trống rỗng/ đang khao khát cảm xúc gì?
Đam mê (Passion), Nhiệt Huyết (Enthusiasm), Bình Yên (Peace), Hạnh Phúc (Happiness), Vui Mừng (Joy), Hào Hứng (Excitement)… là một vài cảm xúc vẫn thường nằm trong danh sách mong cầu của rất nhiều người. Bạn thử điểm danh xem đâu là cảm xúc mình yêu thích, nhưng lại không thể ‘vào nhà’ lúc này?
2. Chiêm nghiệm xem do đâu mà cảm xúc mình yêu thích lại không thể có mặt trong giây phút hiện tại?
Nếu bạn yêu thích Passion (Đam mê) hay Enthusiasm (Nhiệt huyết), mà chúng không thể tới hôm nay, kiểm tra xem những dự án bạn đang làm có trở ngại nào không? Phần thưởng của dự án có đáng để bạn nỗ lực hôm nay? Độ khó/ độ thử thách của chúng có xứng tầm của bạn chưa? Hoặc bạn đang gặp khó khăn gì? Làm sao để vượt qua những khó khăn đó? Ai sẽ có thể giúp bạn?
Nếu bạn không có được Bình Yên, cuộc sống và công việc của bạn dạo này ra sao? Bạn có còn dành thời gian yên tĩnh cho bản thân mỗi ngày? Bạn có dành thời gian sống với thiên nhiên, chơi đùa với con trẻ hay đọc sách, thiền tập đều đặn như trước kia?
Nếu bạn không còn Hào hứng với cuộc sống, đã bao lâu rồi bạn chưa tự thưởng cho bản thân, lên kế hoạch du lịch, đi chơi với bạn bè/ gia đình mình?
Trống rỗng không quá đáng sợ. Thật ra nó là cơ hội để ta chiêm nghiệm, hiểu hơn về những điều thật sự quan trọng trong cuộc sống của mình và có kế hoạch hành động để cuộc sống có nhiều hơn những khoảnh khắc đáng nhớ ấy. Khi bạn cảm thấy trống rỗng, hãy nhớ bắt đầu với câu hỏi màu nhiệm: ‘Empty of what?’.^^
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOURemotions
P.S.: ‘Empty of what?’ là câu hỏi mình nghe được trong một bài giảng của Thầy Thích Nhất Hạnh về cái ly không có nước. Thầy giải thích một cái ly nhìn trống rỗng thì không có nghĩa là không có gì, nó chỉ là không có nước nhưng lại chứa đầy không khí. Đáng tiếc là mình không còn nhớ link của bài giảng đó.