Bạn đã xem phim “Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Nazaret” chưa?
Tuần trước, lướt facebook thấy một bạn giới thiệu phim này và mình tò mò. Là người không có tí kiến thức gì về Thiên Chúa Giáo nên mình nhắn tin hỏi mấy bạn trong nhóm Mindfulness Practitioners là có nên xem không vì mình hơi ngại nạp phải thông tin không chính xác. Mấy bạn theo đạo bảo chưa xem vì có bạn thích đọc Kinh Thánh và có bạn sợ xem cảnh Chúa bị đóng đinh. Nghe xong cũng hơi sợ nhưng cục Tò mò lớn quá nên mình đã xem.
Phim dài hơn 6 tiếng nên mình đã chia ra mỗi ngày xem tầm 1-2 giờ. Mình xem mà hơi hồi hộp, định bụng sẽ bấm tắt ngay nếu có cảnh giết chóc. Chuyện là từ hồi thực tập thiền thì mình không còn có thể xem phim có cảnh bạo lực. Mình vẫn chưa thể quên cái cảm giác choáng váng, khó thở, tim như bị bóp nghẹt khi nghe một người bạn kể một phần của bộ phim Ký sinh trùng (Parasite) lúc hai đứa ngồi trên taxi. Hôm ấy về đến nhà là mình phải ngồi thiền 30 phút mới vượt qua được những cảm xúc mạnh từ bộ phim ấy.
Nhưng mà thật kỳ lạ, mỗi ngày xem xong mình lại thấy tâm trí sáng ra một chút, thấy lòng nhẹ hơn một chút. Kết thúc phim, cảm xúc lớn nhất còn đọng lại và theo mình đến mấy ngày hôm sau là THA THỨ (FORGIVENESS) và THƯƠNG (COMPASSION).
Điều làm mình ngạc nhiên là lần đầu tiên trong nhiều năm, mình đã có thể xem cảnh bạo lực, cảnh Chúa bị đóng đinh mà không thấy sợ hãi. Quan sát cảm xúc, mình nhận ra trái tim mình lúc đó tràn ngập tình thương, sự tha thứ và bao dung, không một chút oán giận/ căm hờn mà không thể giải thích được tại sao. Có thể là đạo diễn quá tài tình, diễn viên đóng quá xuất sắc, người lồng tiếng quá truyền cảm hoặc có thể là một lý do nào đó.
Và sau đây là những bài học mà mình sẽ mang theo ở chặng đường tiếp theo.
SỨC MẠNH CỦA THA THỨ
Đã nghe sách nói Đường Xưa Mây Trắng của Thầy Thích Nhất Hạnh, mình không lạ gì chuyện những người nghèo khổ, người có nhiều tội lỗi vẫn được Phật thương, thu nhận vào tăng đoàn của Phật. Nhưng mình đã thật sự xúc động khi xem đến đoạn Chúa nhận lời mời đến dự tiệc ở nhà của một người thu thuế.
Cảnh phim lúc ấy thật căng thẳng. Bên trong ngôi nhà là khung cảnh xa hoa với thịt rượu đầy ắp cùng các kỹ nữ nói cười. Ngay bên ngoài cửa, lấp ló ở thềm nhà là những khuôn mặt phẫn nộ của dân nghèo. Họ không thể hiểu nỗi tại sao Chúa lại có thể đến đây và ngồi cùng bàn với những người đã đàn áp, bức hiếp họ.
Và Chúa đã kể câu chuyện về một gia đình giàu có hai người con trai. Người con út bỏ nhà đi, tiêu xài hết tài sản của cha cho mình; đói rách, thất thểu quay về. Người cha chẳng la mắng một lời mà còn ôm con vào lòng và mở tiệc ăn mừng. Người anh phẫn nộ vì sự bất công và người cha đã giải thích, giảng hoà cho hai con.
Điều làm mình xúc động là Chúa đã đọc được những suy nghĩ sâu thẳm bên trong của những người thu thuế. Họ có vẻ ngoài hung tợn, bất cần đời, thích bắt nạt, ức hiếp người khác, sống sa đọa trong rượu chè là vì tận sâu bên trong họ có một nỗi mặc cảm rất lớn: mặc cảm vì tất cả những tội lỗi mình đã gây ra và không còn một chút hy vọng nào là mình sẽ được tha tội. Trong tình trạng tuyệt vọng và bị coi thường, ngày qua ngày họ lún sâu vào tội lỗi.
Khi Chúa bước vào nhà, họ đã rất ngạc nhiên và xúc động. Khi Chúa kể xong câu chuyện, họ hiểu là mình đã được tha thứ và bật khóc. Những người dân nghèo, ngoan đạo của Chúa cũng bật khóc trước cảnh mầu nhiệm này. Người đánh cá nghèo và người đứng đầu nhóm thu thuế vùng ấy đã thay đổi và trở thành hai trong những đệ tử đầu tiên của Chúa.
Đó là khoảnh khắc mình lặng đi vì cảm nhận được sức mạnh của sự bao dung!
THA THỨ KHÔNG CẦN ĐIỀU KIỆN
Xuyên suốt trong truyện phim, bạn sẽ thấy Chúa tha thứ cho rất nhiều người, từ những người phụ nữ phạm tội ngoại tình, kỹ nữ, những người mới hôm qua còn mới ca ngợi, mong được Chúa cứu mạng thì hôm nay đã ngoảnh mặt làm ngơ, chỉ trích Chúa… cho đến những binh lính La Mã đang hành hạ Chúa và cả những người đệ tử trong lúc lâm nguy đã chối bỏ mình là đệ tử của Chúa.
Chúa hiểu và thương con người vẫn còn nhiều nỗi sợ hãi nên khi đứng trước lằn ranh của sự sống và cái chết vẫn phải chọn điều dễ dàng. Chúa hiểu nỗi sợ chết có thể dễ dàng lấy đi những đức tin mong manh. Chúa thương con người làm điều tội lỗi vì không hiểu hậu quả của chuyện mình đang làm.
Mình đã xem mà không hề oán giận tất cả những người đang gào thét, binh lính La Mã, những đệ tử của Chúa, kể cả người đệ tử đã phản bội Chúa. Có lẽ đạo diễn và diễn viên đã quá tài tình trong việc giúp người xem có được góc nhìn đầy tình thương và hiểu biết của Chúa.
Và đó là khoảnh khắc mình nhận ra rằng trong nghịch cảnh, nếu trái tim mình chỉ có TÌNH THƯƠNG (COMPASSION) và THA THỨ KHÔNG CẦN ĐIỀU KIỆN (UNCONDITIONAL FORGIVENESS) thì không có nỗi khổ nào có thể chạm đến mình.
THIÊN ĐƯỜNG NHỎ HAY LÒNG MÌNH NHỎ
Một cảnh cuối cùng làm mình nhớ mãi là lúc Chúa bị treo lên thập giá. Một người tử tù cũng bị treo cạnh Chúa và cầu xin Người hãy nhớ đến mình và Chúa trả lời: “Hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng”.
Đang lúc xúc động thì một câu hỏi “vô duyên” trong não hiện ra: “Ủa sao người này gây nhiều tội vậy mà chỉ cần xin với Chúa có một câu mà đã được lên thiên đàng? Còn những người ngày ngày thực tập, cầu nguyện, sống cả đời gìn giữ rồi cuối cùng họ cũng được vậy thôi sao?”
Câu hỏi vừa hiện ra thì lời dạy của Thầy Thích Nhất Hạnh cũng đến kịp lúc:
…Ở Việt Nam, ta có truyền thống quý khách; mỗi khi có khách, nhà tuy chật nhưng ta vẫn mời khách ở lại, dù khách và ta phải nằm dưới đất, dù phải trải chiếu nằm bên nhau như cá hộp. Vì có lòng thương mến những người khách cho nên chúng ta chấp nhận. Chúng ta nói “chật là chật bụng chứ không phải là chật nhà.” Khi trái tim của chúng ta không chật, thì dù cái nhà có chật cũng không sao…
Trích bài “Lượng Cả Bao Dung”
Rõ ràng thiên đàng vô cùng rộng lớn mà lòng mình còn chất chứa hai chữ CÔNG BẰNG nên đã không tin rằng nơi đó có đủ chỗ cho nhiều người.
So sánh cái cảm giác ấm áp và đầy tình thương của UNCONDITIONAL FORGIVENESS sau khi xem phim và cảm giác mỗi khi mình “tuyên bố” tha thứ cho ai đó, mình nhận ra có lẽ mình chưa bao giờ thật sự tha thứ cho ai và cũng chưa bao giờ tha thứ cho chính mình.
Sẽ còn phải đi một hành trình dài lắm mình mới có thể mời được bạn cảm xúc UNCONDITIONAL FORGIVENESS đến chơi. Nhưng hy vọng là với lần “gặp gỡ” này, mình được truyền cảm hứng để kiên trì thực tập, và một ngày kia, bạn ấy sẽ đồng hành với mình trên mọi nẻo đường.
Bạn đã xem truyện phim này chưa? Cảm nhận của bạn về bộ phim này?
Link của phim: https://youtu.be/wBQBJBBhqck