Cảm xúc Emotions hay E-motions (Energy in motion) thông thường đến cùng với tác nhân (trigger) và ra đi khi tác nhân không còn nữa. Ví dụ như sáng thứ bảy trong cái lành lạnh cuối năm, bạn đang thảnh thơi ngồi phơi nắng, nghe chim hót ngoài sân thì tự nhiên nhà hàng xóm ầm ầm karaoke. Cục Bực mình to bự lập tức ào tới. Mười lăm phút sau, âm thanh nhỏ dần rồi tắt hẳn (chắc nhà kế hoặc chú tổ trưởng đã sang to nhỏ) thì Bực bội cũng ra đi. Bạn lại được cùng Bình an tận hưởng nắng ấm và Vui vui nghe lũ sẻ tíu tít tìm sâu.
Quan sát những vị khách cảm xúc ra vào nhà mình một thời gian, mình nhận ra cuộc sống không đơn giản như thế. Có những cảm xúc đến và ở lại rất lâu cho dù tác nhân đã lùi vào dĩ vãng. Chuyện qua lâu lắm rồi mà chúng vẫn quay lại nhắc nhở, khó chịu dai dẳng mỗi khi có điều tương tự xảy đến hoặc chỉ vô tình những dòng suy nghĩ cũ quay về. Mình xếp những bạn này vào nhóm UNRESOLVED EMOTIONS (tạm dịch – những cảm xúc chưa được giải quyết tận gốc).
Bạn đã bao giờ nghĩ “làm việc với sếp nam dễ chịu hơn sếp nữ”, “tuyển sinh viên từ trường B khó huấn luyện và đào tạo”, “đồng nghiệp đến từ quốc gia X thường không chân thật”… Với những suy nghĩ như vậy, chắc hẳn bạn sẽ hồi hộp, lo âu nếu lỡ một ngày kia bị luân chuyển làm việc với sếp nữ; sẽ thấy khó chịu khi phải quản lý một đội có mấy em đến từ trường B; luôn nghi ngờ/ đề phòng khi phải làm chung dự án với đồng nghiệp người nước X.
Trước khi hình thành những đánh giá/ nhận định trên, chắc hẳn bạn đã có những trải nghiệm không mấy thú vị khi làm việc với sếp nữ, sinh viên tốt nghiệp trường B hoặc người đến từ quốc gia X. Những trải nghiệm không đẹp trong quá khứ có thể đã đến từ những mâu thuẩn/ hiểu nhầm nào đó và để lại những cảm xúc khó chịu như Giận, Tức, Lo, Sợ, Ghét, … chưa được giải quyết triệt để. Và thế là sau này chỉ cần nghe/ thấy sếp nữ, sinh viên trường B, đồng nghiệp/ người đến từ quốc gia X, thì những cảm xúc khó chịu “mặc định” gắn liền với những sự kiện xưa cũ lại quay về.
Một nhóm cảm xúc thú vị nữa mà mình quan sát được là HABITUAL EMOTIONS (tạm dịch: cảm xúc được tạo ra từ thói quen suy nghĩ). Thói quen suy nghĩ được hình thành từ trải nghiệm và những sự kiện rất riêng, xảy ra trong cuộc đời mỗi người.
Quan sát bản thân, mình nhận ra mỗi khi gặp trở ngại, dù to hay nhỏ trong công việc và cuộc sống, thì Tức (Resentment) là đứa đầu tiên gõ cửa. Cái câu cửa miệng của nó bao giờ cũng là “Cuộc sống thật bất công với bạn. Tại sao bạn lại chịu cảnh này.”.
Điều thú vị ở đây là trong cùng một tình huống, ví dụ như bị chuyển công tác sang một team mới có nhiều thử thách, có bạn sẽ thấy lo, có bạn sẽ chấp nhận sự thay đổi, có bạn thấy thú vị (xem đây là một cơ hội để thử thách bản thân giúp mình vượt qua vùng an toàn), còn mình thì Tức trước đã rồi tính tiếp. =))
Chiêm nghiệm về hành trình vài thập kỷ đã qua, mình nhận ra cuộc sống từ bé của mình luôn luôn dễ dàng. Mình được cả nhà thương, chìu từ nhỏ, đến trường lại trở thành học trò cưng của các thầy cô. Từ bé đến lúc cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay mình chưa từng phải trải qua bất cứ một cơn gió to nào cả, đừng nói là giông bão. Và thế là bộ não của mình mặc định cuộc sống phải là như thế. Khi có chút gió to nổi lên thì não không chấp nhận, nó diễn dịch “cuộc sống không công bằng “, công bằng phải là mọi điều đều thuận lợi, dễ dàng.
Mình đã cười thật nhẹ nhõm khi nhìn ra được nguyên nhân gốc rễ khiến Tức hay lui tới. Ở khoảnh khắc đó, mình cũng nhận ra mình có quyền tự do chọn lựa cảm xúc khi có tình huống tương tự xảy đến. Mình có quyền mời Chấp nhận (cuộc sống có lên có xuống, có lúc dễ dàng, có lúc khó khăn), Can đảm (cho dù chuyện gì xảy đến, mình cũng sẽ bước tới) hoặc Tò mò (hành trình thú vị nào đang chờ đợi mình đây?). Và thế là Tức chẳng còn cơ hội viếng thăm mình.
Cho dù là UNRESOLVED EMOTIONS hay HABITUAL EMOTIONS thì chỉ cần mình hiểu được gốc rễ/ insights về các bạn ấy thì chúng ta sẽ có rất nhiều tự do chọn lựa để sống với những cảm xúc mình mong muốn có được.
Bạn có quan sát được Unresolved emotions và Habitual emotions của chính mình?
Bạn đã nhìn ra được insights về những cảm xúc này?
Bạn sẽ làm gì để những cảm xúc khó chịu ấy không còn lý do để thăm viếng bạn?
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOURemotions