Dạo gần đây mình hay nghe bạn bè ‘than thở’ căng thẳng nhiều vì phải làm việc ở nhà và họp hành nhiều hơn. Các công ty cũng quan tâm đến sức khoẻ nhân viên, gửi ra rất nhiều mẹo hay như vận động, tập thể dục, hít thở, thiền… Mình thấy tất cả đều hữu ích. Trong bài này, mình muốn chia sẻ cảm nhận về hình thức họp video call và audio call, mà theo quan sát và trải nghiệm của mình, là có đóng góp vào sự căng thẳng.
Bản thân mình luôn thích video call vì nhìn thấy khách hàng, đối tác bao giờ cũng tạo cho mình cảm giác gần gũi, dễ trò chuyện. Tuy nhiên có một vài lần bạn bên kia vì lý do wifi yếu hay “nhà cửa trông lộn xộn” và đề nghị dùng audio call thì cũng đành chịu. Quan sát suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của bản thân, mình cảm nhận rất rõ sự khác biệt giữa hai hình thức họp này.
1. Audio call làm mình dễ sao nhãng và tốn nhiều năng lượng để tập trung hơn.
Là người học bằng mắt (visual learner), mình thích được nhìn thấy đối tượng đang trao đổi. Nếu phải dùng audio call, ban đầu mình cố gắng tập trung bằng cách nhìn vào cái màn hình … đen thui. Được một chút thì chán và nhìn sang nơi nào đó, ví dụ như nhìn ra cửa sổ. Nếu có con bướm bay qua thì tâm trí mình sẽ bay theo nó một chút. Khi phát hiện mình bị lơ là, mình lại cố tập trung trở lại bằng cách nhìn vào màn hình …tối om, sau đó lại chán rồi nhìn sang nơi khác. Chưa kể có vài lần chán quá còn mở FB lên xem.
Cái vòng lặp đó tới lui làm mình tốn kha khá năng lượng cho những buổi họp. Và nếu mình nhớ không nhầm thì người thích học bằng mắt như mình (visual learners) cũng không ít, khoảng 65% dân số trái đất, còn học bằng tai (auditory learners) khoảng 30% thôi.
2. Video call làm cho mình bớt “lười” cười với người đối diện.
Khi dùng audio call, mình hiếm khi nào cười lắm. Tại sao mình lại đi cười với cái màn hình tối thui trước mặt chứ. Nếu có chỉ là nhếch miệng lên một cái lúc mới gặp người kia. Còn lại 99% thời gian là nói chuyện với khuôn mặt hình sự =)). Nhưng khi dùng video call thì mình cười thật sự và mình để ý khi mình cười thì bên kia cũng cười và tự nhiên không khí nhẹ nhàng hẳn cho dù có đang nói về một vấn đề căng thẳng.
3. Ngồi tử tế khi có video call.
Khi dùng audio call, có đôi khi mình ngồi xếp chân lên ghế, khòm lưng, ngả nghiêng ra sau… Những tư thế đó rất dễ làm cho mình thiếu tập trung, tạo ra những cảm xúc không phù hợp khi truyền tải thông điệp và không tạo được hiệu ứng mong đợi.
Ví dụ như khi cố gắng thuyết phục đồng đội làm theo ý tưởng của mình mà ngồi không thẳng lưng, tư thế không quyết đoán thì chắc chắn thông điệp cũng không quyết đoán. Và nếu mình nhớ không lầm thì sức nặng của thông điệp gửi đi có đến hơn 50% từ ngôn ngữ cơ thể, chỉ dưới 10% từ ngôn ngữ lời nói, phần còn lại là do cảm xúc quyết định. (Source: Ontological coaching)
Nếu còn nghi ngờ, bạn thử google những diễn giả truyền cảm hứng và quan sát cách họ ngồi, đứng khi nói. Sau đó nhớ lại hình ảnh một ai đó trong công ty mà bạn nhận thấy cách thuyết trình không tự tin chút nào. So sánh hai hình ảnh đó, bạn dễ dàng nhận ra sự khác biệt.
Và khi thông điệp truyền đi không hiệu quả thì sẽ có hiểu nhầm và họp tới họp lui rồi.
Với những trải nghiệm này, mình đã quyết tâm không được lười mặc đồ đẹp, luôn chỉn chu để lúc nào cũng có thể hiện diện và cười thật tươi với người đối diện qua màn hình. Mình tin rằng điều nho nhỏ này không chỉ giúp bản thân mà còn giúp mọi người trong cuộc họp giảm bớt mệt mỏi và căng thẳng.
Đó là trải nghiệm của mình. Bạn có thêm quan sát nào về video & audio calls không?
Thao Pham
ICF Professional Certified Coach