Thiền Vipassana có lẽ đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người. Nhiều bạn trong FB friendlist của mình đã tham dự các khoá retreat, không chỉ một mà rất nhiều lần. Có lẽ đó là lý do mặc dù ở Việt Nam có đến mấy trung tâm retreat nhưng để đăng ký được nghe nói phải mất tầm sáu tháng. Có lần mình cũng thử đăng ký. Website thông báo nói 7 giờ sáng sẽ mở link nộp hồ sơ; 6:55 mình vào thì link đã đóng vì danh sách đầy. Dễ sợ!
Trong chuyến đi Làng Mai năm ngoái, không hiểu sao mình lại tình cờ gặp các bạn/ các chị đã đi thiền Vipassana. Ai cũng bảo trải nghiệm thú vị lắm. Cục tò mò lại thôi thúc. Hỏi han bạn bè thì được giới thiệu học tại các trung tâm thiền Vipassana của thầy Goenka. Đăng ký cầu may. May thiệt! Được nhận liền trong lần đăng ký đầu tiên ở trung tâm Dhamma Malaya tại Malaysia. Lý do mình chọn Dhamma Malaya vì đường đi khá dễ dàng, danh sách chờ ngắn, trung tâm rộng rãi và có phòng riêng cho mỗi người.
VIPASSANA – THIỀN INSIGHTS (See things as they are not as we want them to be)
Trước khi đi, mình đã ôm một cục tự hào không nhỏ về khả năng hiểu cảm xúc, khả năng tìm ra insights và thấu hiểu bản thân (thậm chí còn tự tin là “đọc” được người khác). Để rồi từng ngày ngồi kiên nhẫn làm theo hướng dẫn của thầy Goenka và các thầy cô trợ giảng, đã giúp tâm trí mình lắng đọng, giúp mình nhận ra thế giới nội tâm vô cùng phức tạp, phong phú và thú vị.
Insights/ wisdom ào ạt ùa về. Chúng đưa mình đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Chậm rãi, nhẹ nhàng và kiên quyết, chúng mở mắt cho mình thấy những hiểu biết của mình chỉ là một vũng nước bé tí, nông cạn và hời hợt.
Lần đầu tiên mình đã được trải nghiệm sự khác biệt giữa INTELLECTUAL WISDOM và EXPERIENTIAL WISDOM.
INTELLECTUAL WISDOM là những wisdom/ insights tìm được bằng cách vận dụng trí não để suy nghĩ. Bằng cách học, đọc sách, chiêm nghiệm, suy luận logic, ta có thể tìm được những câu trả lời nghe rất hợp lý để giải thích cho những thói quen cảm xúc, hành vi của bản thân.
EXPERIENTIAL WISDOM là wisdom/ insights có được từ việc tự mình quan sát và trải nghiệm; suy nghĩ hầu như không đóng vai trò gì mấy trên hành trình tìm ra insights này. Chỉ cần ngồi đó với một tâm trí cân bằng (balanced mind), mình có thể trải nghiệm/ trải nghiệm lại những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Từng sự kiện một lần lượt quay về như những thước phim quay chậm với đầy đủ chi tiết/ thời gian và CẢM XÚC. Insights/ wisdom sẽ tự chúng hiện ra mà không cần bất cứ một nỗ lực nào để suy nghĩ hoặc tư duy.
Mình nhận ra một điều thú vị nữa về sự khác biệt giữa INTELLECTUAL wisdom và EXPERIENTIAL wisdom là cái đầu thường cho mình insights trong đó lỗi phần lớn thuộc về người khác (ai đó đã gây ra chuyện gì đó cho mình/ mình là nạn nhân). EXPERIENTIAL wisdoms cho mình câu trả lời hoàn toàn khác: với đầy đủ chứng cứ, bản thân không thể chối cãi rằng chính mình phải chịu phần lớn hoặc hoàn toàn trách nhiệm cho những cảm xúc tiêu cực hay những hành vi/ kiểu mẫu phản ứng không mong đợi trong cuộc sống của mình.
Có lẽ vì thế mà EXPERIENTIAL wisdom sau khi tự tìm ra có khả năng chuyển hoá và thay đổi hành vi quyết liệt hơn rất nhiều so với INTELLECTUAL wisdom. Chính mình đã gây ra tất cả những chuyện này cơ mà, mình chẳng là nạn nhân của ai cả và điều đó cũng đồng nghĩa với việc bản thân mình có toàn quyền và đầy đủ sức mạnh để thay đổi cục diện, để sống một cuộc sống hạnh phúc hơn.
INTELLECTUAL wisdom ta có thể đọc ở đâu đó, nghe ai đó nói, thấy sao giống giống chuyện của mình nhưng EXPERIENTIAL wisdom là duy nhất/ là “đo ni đóng giày” cho mỗi người, không ai giống ai đơn giản vì cuộc đời và trải nghiệm của mỗi người là hoàn toàn độc đáo và khác biệt.
LO (ANXIETY)
Trong cuộc sống hằng ngày, mình tự biết bản thân hay lo. Intellectual wisdom mình tìm ra là lo được “thừa hưởng” từ tính hay lo của ba má. Với cái intellectual wisdom này thì biết rồi để đó chứ không thay đổi được hành vi gì nhiều. Đôi khi lại có suy nghĩ nếu mà ba má không hay lo chắc mình đã không bị mệt mỏi thế này. Rồi những ngày stress quá lại đổ thừa hoàn cảnh: sao cuộc sống áp lực thế kia?
Trưa ngày thiền thứ 9, tâm trí mình đã có được nhiều an lạc vì đã tìm được experiential wisdom về những cơn giận, sợ hãi, tự chỉ trích bản thân, nuối tiếc, lúc nào cũng muốn mình phải đúng, lúc nào cũng muốn có được công bằng… Đang ngồi tận hưởng cái sự thảnh thơi, sáng bừng của tâm trí thì hơi thở trở nên nặng nề, lồng ngực nghèn nghẹn. Mình nhận ra ngay sự hiện diện của Lo với một đống những suy nghĩ tiêu cực:
“Giờ này không biết má ở nhà ra sao? Má có bệnh gì không? Lỡ bệnh nặng rồi cháu mình không liên lạc được với trung tâm thì sao?”…
“Mình đã gửi số điện thoại và cả địa chỉ email cho mấy đứa cháu, số điện thoại của bạn thân để hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp rồi mà.”
“Lỡ số điện thoại của trung tâm cho không đúng thì sao? Lỡ các bạn ở trung tâm không kiểm tra email thường xuyên thì sao? Mấy hôm nay bạn manager hay nhìn mình, hay là bạn muốn cho mình biết tin gì đó mà sợ mình hoảng sợ nên không nói?…”
Năng lượng của Lo mạnh đến nỗi mình chỉ muốn đứng bật dậy, đến chỗ bạn manager để hỏi xem bạn có nhận được điện thoại từ VN hay email gửi cho Thảo không. Mở mắt ra, bạn manager vẫn đang ngồi thiền. Mình phải đợi thôi.
Nhắm mắt lại. Mình cố gắng quay lại với hơi thở, tiếp tục tập trung vào kỹ thuật thiền Vipassana trong cái năng lượng muốn ngộp thở của Lo. Rồi rất tự nhiên, chỉ vài phút sau khi mình đã dừng “cuộc trò chuyện” với Lo, mình thấy lại cái phòng thi của những năm cấp hai. Đó cũng là phòng học của lớp, nóng bức, tường sơn màu xanh nước biển nhạt, cửa sổ xanh đậm, quạt trần quay nhè nhẹ. Trong cái không khí oi nồng đó, mình thấy mình và cục Lo trong lồng ngực quen thuộc lắm.
Ồ, cục Lo này đã theo mình đến các phòng thi từ hồi bắt đầu đi học. Dù luôn nằm trong Top đầu, thậm chí rất hay đứng nhất lớp, nhưng mình luôn lo lắng trước, trong và sau những kỳ thi. Nếu như thầy cô nói phải đọc 5 cuốn sách để được 9 điểm thì mình phải đọc thêm 1 hoặc 2 cuốn nữa để có được 10 điểm. Vào phòng thi, đọc đề xong, cho dù biết “trúng tủ” vẫn lo quên mất một đoạn nào đó. Làm xong lại tiếp tục lo chờ cho đến khi nhìn thấy điểm trước mắt. Sau đó lại tiếp tục lo cho các bài kiểm tra 15′, 45’…
Lo không tạm biệt mình sau khi tốt nghiệp. Nó tiếp tục đến công ty. Chẳng phải “nhờ” nó mà mình đã được giải Unsung hero for going an extra mile sao? “Going an extra mile” – CRAVING (khao khát) có được hình ảnh một con người hoàn hảo/ chu toàn trong mọi việc là nguồn gốc của những nỗi lo.
Mình mỉm cười thích thú. Đầu óc sáng bừng. Lo lặn đâu mất. Bao nhiêu suy nghĩ tích cực ùa về: Đây đâu phải lần đầu tiên má về nhà anh hai ở dài ngày, nhà anh hai có nhiều người đông vui, tinh thần má sẽ phấn chấn, không thể bệnh được.
Từ giây phút đó, mình đã quyết tâm buông bỏ cái khao khát trở thành một người hoàn hảo/ chu toàn trong mọi việc. Mình sẽ luôn cố gắng hết sức, nhưng nếu có những chuyện mình không thể tiên liệu được, mình sẽ chấp nhận hết tất cả những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra.
Hôm ấy mình đã quyết định thách đấu với Lo: mình sẽ không hỏi bạn manager cho đến khi nhận lại điện thoại của mình vào ngày cuối khoá. Lo thỉnh thoảng có quay lại trong ngày thứ 10, nó làm mình khó ngủ ở đêm cuối, nhưng mình đã hít thở, quan sát, cảm nhận năng lượng và chờ đợi cho nó qua đi.
Sáng ngày 11, nhận lại điện thoại, không thấy tin nhắn nào của gia đình, mình nhắn hỏi cháu trai thì được biết má vẫn khoẻ mạnh bình thường. Mình mỉm cười sung sướng. Hy vọng nhiều chiến thắng khác trong tương lai sẽ làm cho năng lượng của Lo yếu dần.
Trở lại cuộc sống bình thường, Lo vẫn hay đến thăm mình nhưng điều khác biệt là mình bắt đầu nhận ra những suy nghĩ lo lắng nhanh hơn; thời gian Lo ở bên mình ngắn dần và quan trọng hơn cả là mình không còn đổ lỗi cho người khác/ cho hoàn cảnh (tại ai đó/ điều gì đó làm cho tui phải lo/ phải stress…); thay vào đó là mình bắt đầu có thể bình tâm quan sát và kiên nhẫn chờ nó qua đi và giải pháp tự nhiên tới.
Ngày cuối của khoá tụi mình được nói chuyện trở lại để chuẩn bị quay trở lại “cuộc sống bình thường”. Mình có dịp hỏi han một số bạn cùng khoá, mỗi người mỗi trải nghiệm khác nhau, muôn màu muôn vẻ.
Trên đây là những hiểu biết (không chắc có chính xác không về thiền Vipassana) cùng một vài trải nghiệm của riêng mình. Những trải nghiệm này chỉ là một phần rất nhỏ mà thiền Vipassana có thể mang lại.
Bạn nào tò mò về cách đăng ký thì mình để lại link ở đây: https://www.dhamma.org/vi/courses/search
Trung tâm thiền Vipassana của thầy Goenka có ở rất nhiều nơi trên thế giới. Bạn chọn quốc gia và ngôn ngữ thì sẽ tìm được danh sách và thời gian các khoá thiền phù hợp cho mình.
Các bạn đã đi rồi, trải nghiệm của bạn ra sao?