Daniel Goleman, một trong những cây đại thụ trong ngành tâm lý học, nổi tiếng với cuốn Emotional Intelligence – cuốn sách bán chạy nhất của The New York Times vào năm 1995, được dịch ra 40 ngôn ngữ, bán được hơn 5 triệu bản.
Trong một nghiên cứu gần đây cùng với Matthew Lippincott trên 42 nhà quản lý cấp cao, đã chứng minh mindfulness (sống chánh niệm) kết hợp cùng với những hiểu biết về Thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence), mang lại rất nhiều lợi ích như: Mối quan hệ bền chặt hơn với cấp trên, đồng nghiệp và cấp dưới; kết quả dự án tốt hơn; cải thiện quản lý khủng hoảng, quản trị xung đột tốt hơn, khả năng truyền đạt thuyết phục hơn, được thăng tiến…
Theo kết quả nghiên cứu, luyện tập Mindfulness giúp các nhà quản lý có sự tự nhận biết (self-awareness) tốt hơn về những vấn đề mình đang gặp phải, quan sát được xu hướng hành vi của mình trong những tình huống căng thẳng. Kiến thức về Emotional Intelligence giúp họ lên kế hoạch hành động để điều chỉnh hành vi.
Tựa bài viết nghe có vẻ sẽ gây tranh cãi. Theo những trải nghiệm và quan sát của bản thân, tôi nhận thấy Mindfulness và Emotional Intelligence là hai mảng kiến thức và thực tập không thể tách rời.
Nếu chỉ luyện tập mindfulness thì có thể sẽ mất rất nhiều thời gian để chuyển hóa một cảm xúc nào đó (giận dữ/ lo âu chẳng hạn) hoặc để thay đổi hành vi. Nếu chỉ hiểu về Emotional Intelligence mà không thực tập mindfulness thì cũng sẽ rất khó điều chỉnh hành vi mỗi khi có một (vài) cảm xúc quá lớn đến bên mình.
Thực tập Emotional Intelligence có thể bắt đầu bằng cách học nhận biết và gọi tên những cảm xúc nổi trội nhất trong ngày của mình. Viết tên chúng ra trong một cuốn sổ nhỏ hoặc ghi chú vào phần note trong điện thoại.
Chừng 2 – 3 tuần là mình đã có thể dễ dàng nhận diện những cảm xúc thường lui tới viếng thăm. Lúc đó ta sẽ biết bạn nào thường phá bỉnh, bạn nào cứ thích đeo bám mình. Trình độ cao hơn, ta sẽ biết được mình thiếu mất một số cảm xúc quan trọng nào nữa.
Kết hợp với mindfulness, chúng ta sẽ có khả năng nhận ra cảm xúc hay gây rắc rối khi chúng vừa mới mon men đến gần mình. Từ đó có nhiều thời gian để quyết định hành động một cách thông thái hơn. 😉
Enjoy reading!
About Daniel Goleman: http://www.danielgoleman.info/biography/