Shame (tạm dịch: Xấu hổ)

Nhiệm vụ của Xấu hổ là nhắc nhở chúng ta: “Ê, làm vậy là bạn đã phá vỡ tiêu chuẩn trong cộng đồng của bạn rồi đó”.

Xấu hổ không nhất thiết là mình phải làm chuyện gì động trời như ăn trộm để bị cả cộng đồng lớn (xã hội/ làng xóm) cười chê. Các tiêu chuẩn này có thể là việc đi làm trễ, về sớm khi bạn là thành phần của một team mà ai nấy cày bừa từ sáng sớm đến tối mịt.

Trong thế giới cảm xúc, mình chưa bao giờ nghĩ Xấu hổ có thể làm phiền mình. Thế mà nó đã gõ cửa, mạnh mẽ, kiên quyết, và không chỉ một lần.

Mình đã bước sang năm thứ 5 trên hành trình coaching. Càng đi mình càng nhận ra Coaching không phải là một công việc thuần tuý. Nó là hành trình giúp mình tự chuyển hoá bản thân thông qua việc sống có ích cho người khác.

Càng đi mình càng nhận ra Bình an và Hạnh phúc chân thật không có ở những mục tiêu và mơ ước mà mấy chục năm về trước mình đã lao đi băng băng về hướng đó. Hạnh phúc chân thật đã có sẵn ở bên trong mình.

Càng sống giản đơn, càng có nhiều thời gian thiền tập và kết nối sâu sắc với chính mình, mình càng hiểu rõ mình muốn gì, cần làm gì và sống cuộc sống ra sao để có thêm nhiều an lạc mỗi ngày.

Càng đi, mình càng cảm thấy Đủ đầy (Fulfilment), Hài lòng (Satisfaction) vì được sống có ích, Bình An (có thời gian dừng lại mỗi ngày để hít thở, để cảm nhận vẻ đẹp của đất trời). Có lẽ vì thế mà mình chẳng còn mong phải mặc đồ hiệu sang trọng, phải dùng nước hoa đắt tiền,… Những cái khao khát, thôi thúc của ngày xưa ấy không còn nữa. Chúng đã đến khi mình phải sống những ngày luôn thấy thiêu thiếu một điều gì đấy và mình chọn lấp đầy bằng vật chất.

Rồi một ngày kia, mình ung dung đi du lịch với mấy bộ đồ cũ mèm. Rồi mình nhận ra những ánh mắt là lạ. Rồi mình cũng nhận ra mình đang được đối xử khang khác so với cái thời vi vu sang chảnh ngày xưa.

Đang không biết phải tính sao thì “ai đó” lên tiếng: “Bạn đừng có mà trách người khác. Nhìn lại quần áo bạn đang mặc đi.”

Mình không chịu thua: “Thì có sao đâu, mình chẳng còn sợ bị đánh giá nữa rồi”.

Xấu hổ cũng không vừa: “Thì ở đây không sao. Người ta cũng không biết bạn là ai. Tưởng tượng bạn đi là workshop mà mặc mấy bộ đồ cũ mèm đi. Ai thèm nghe bạn.”

Mình giật mình. Bạn bè thân, khách hàng cũ hoặc những ai đang theo dõi hành trình của mình có thể hiểu tại sao mình sống cuộc sống giản đơn. Nhưng đến một workshop toàn người mới thì chắc hẳn sẽ có nhiều người shocked, rồi chẳng thể tiếp thu những điều mình sắp truyền đạt.

Mình cảm ơn Xấu hổ và chấp nhận thay đổi. Nhưng cái hôm nó gõ cửa lần hai thì mình đã kiên quyết mời nó ra khỏi nhà.

Mình để ý nó luôn luôn đến ở cái giây phút có ai đó hỏi mình “Chị đi xe gì đến đây?” hoặc “Chị để xe ở đâu?” cùng với ánh mắt ái ngại khi mình trả lời “Chị gửi xe máy ở tầng hầm”.

Mình chợt nhận ra, cái “cộng đồng” nhỏ bé của mình bây giờ sang trọng quá. Hầu hết bạn bè/ đối tác mình gặp đều có xe hơi hoặc đi taxi. Còn mình, vẫn yêu cái cảm giác lái em Honda bình dị.

Xấu hổ: “Giờ sao?”

Mình kiên quyết nhìn nó: “Lần này thì mình không nhượng bộ bạn nữa rồi. Đúng là mình đang phá vỡ một trong những tiêu chuẩn của cộng đồng này. Nhưng mình chọn vẫn sống với lý tưởng của mình và mình chấp nhận rủi ro có thể bị loại ra khỏi cộng đồng. Mình tin rằng bạn bè thân, những người hiểu mình và trân trọng những giá trị mình đang theo đuổi, sẽ vẫn chấp nhận mình. Và mình tin, rồi mình sẽ gặp được những bạn bè mới, những người có cùng hệ thống tiêu chuẩn để cùng nhau tạo nên một cộng đồng mới”.

Xấu hổ mỉm cười, vẫy tay chào tạm biệt. Mình thật sự biết ơn sự có mặt của Xấu hổ. Nó giúp mình hiểu được mình đang đi đâu trên hành trình này và nơi nào là nơi mình đang và sẽ thuộc về.

  1. Có bao giờ Xấu hổ đến thăm bạn?
  2. Bạn sẽ tự điều chỉnh bản thân để sống đúng với tiêu chuẩn của cộng đồng của bạn?
  3. Hay bạn chấp nhận rủi ro/ chấp nhận mình đang phá vỡ tiêu chuẩn và quyết định vẫn sống với lý tưởng của mình?

Thao Pham
ICF Professional Certified Coach
#loveYOUREmotions

P.S.:
Shame’s message: I broke the standards of my community
The field guide to emotions by Dan Newby & Curtis Watkins